Wiederkehr (29.12.2024) | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Ngô Nguyễn Ngọc Uyên
13/12/2024
Wiederkehr (29.12.2024)
14/12/2024

Wiederkehr (29.12.2024) | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Pianist: HỒ KHÁNH VÂN


FELIX MENDELSSOHN BARTHOLDY (1809 - 1847)

Songs without words in E-Major, Op. 19 No. 1

(Những bài ca không lời, giọng Mi trưởng, Tập 19, Số 1)

Andante con moto

 

Những bài ca không lời của Felix Mendelssohn là minh chứng cho lý tưởng Lãng mạn về âm nhạc như một ngôn ngữ vượt ra ngoài ca từ. Được sáng tác như những tiểu phẩm piano gần gũi, những tác phẩm này truyền tải cảm xúc và tâm trạng với sự rõ ràng và duyên dáng mà không cần lời giải thích bằng lời. Tác phẩm đầu tiên trong tuyển tập, Tập 19, số 1, là ví dụ điển hình cho cách tiếp cận này, phản ánh nét trữ tình của Mendelssohn qua âm nhạc thanh bình, không kém phần tinh tế và phức tạp.

Được viết vào năm 1830-31 như một phần của tuyển tập Những bài ca không lời đầu tiên khi Mendelssohn ghé qua Thụy Sĩ, Andante con moto giọng Mi trưởng mở đầu bằng một giai điệu duyên dáng, uyển chuyển được đệm bởi phần hợp âm rải nhẹ nhàng. Sự đơn giản trong cấu trúc ba phần (A-B-A) ẩn giấu những phức tạp tinh tế bên trong. Độ dài câu nhạc không đều của Mendelssohn mang đến cho âm nhạc một sự khó đoán định, mời gọi người nghe bước vào thế giới sâu thẳm của nội tâm. Phần trung tâm lại tương phản một cách ý vị, trong khi sự trở lại của chủ đề mở đầu trở nên phong phú hơn bởi những biến tấu tinh tế, thể hiện khả năng của nhà soạn nhạc trong việc thổi sự tươi mới và sức sống vào ngay cả những ý tưởng đơn giản nhất.

Những bài ca không lời phần nào tượng trưng cho niềm đam mê suốt đời của Mendelssohn với nét trữ tình. Lấy cảm hứng từ các tác phẩm piano của Schubert và bắt nguồn từ truyền thống tiểu phẩm Lãng mạn đang phát triển, chúng kết hợp nét thanh lịch, tinh tế và thân mật thơ mộng. Trong Tập 19, số 1, những phẩm chất này hội tụ để tạo nên một "khúc ca" âm nhạc nối thẳng vào trái tim, không bị cản trở bởi lời ca nhưng giàu cộng hưởng cảm xúc.

Mendelssohn từng phản đối việc áp đặt các tiêu đề mô tả cho những tác phẩm này, khẳng định rằng ý nghĩa của chúng thuần túy là âm nhạc. Tuy nhiên, trong khúc ca không lời mở đầu này, người ta có thể cảm nhận được sự yên bình của thiên nhiên và niềm vui tĩnh lặng của sự suy ngẫm - những điều mời gọi người nghe mang trí tưởng tượng của riêng mình để hoàn thiện bức tranh. Đó là thứ âm nhạc thì thầm tâm tình hơn là những tuyên bố lớn lao, một bản trữ tình được tạo nên với sự tinh tế và duyên dáng đại diện cho dấu ấn nghệ thuật của Mendelssohn.

 


 

WOLFGANG AMADEUS MOZART (1756 - 1791)

Piano Sonata No. 14 in C minor, K. 457

(Sonata cho piano, Số 14, giọng Đô thứ, K. 457)

I. Molto Allegro
II. Adagio
III. Allegro assai

 

Được viết vào năm 1784, Sonata cho piano, Số 14, giọng Đô thứ, K. 457, được xem là một tác phẩm nền tảng trong kho tàng nhạc mục dành cho nhạc cụ đàn phím của Mozart, nổi bật bởi chiều sâu cảm xúc sâu sắc và cường độ không ngừng. Cùng với Sonata giọng La thứ, K. 310, đây là một trong hai bản sonata cho piano duy nhất của ông viết ở giọng thứ, khơi gợi bầu không khí kịch tính và dồn dập. Cùng với Fantasia giọng Đô thứ, K. 475 mà Mozart đã sáng tác hai năm sau đó, tác phẩm này thể hiện tinh thần đổi mới và sức mạnh biểu cảm của nhà soạn nhạc, đẩy ranh giới của hình thức sonata đến lãnh địa cảm xúc chưa được khai phá.

Chương đầu tiên, Molto Allegro, mở đầu bằng một chủ đề mạnh mẽ, lôi cuốn trong các quãng tám song song, ngay lập tức tạo nên âm hưởng đen tối và cứng rắn. Sự tương phản trong chương nhạc rất rõ nét: sự ảm đạm của chủ đề chính đối lập với chủ đề thứ hai trữ tình ở giọng Mi giáng trưởng. Tuy nhiên, ngay cả khoảnh khắc nghỉ ngơi này cũng chỉ là thoáng qua, khi phần phát triển lao vào cơn bão bán cung căng thẳng và cường độ cực đoan. Phần tái hiện không mang đến sự an ủi, lên đến đỉnh điểm trong một coda cuồng xoáy, khẳng định tính chuyển động không ngừng của chương nhạc.

Chương thứ hai, Adagio, chuyển sang tâm trạng nội tâm hơn. Giai điệu được trang trí công phu của chương này trải ra với sự tự do ứng tấu, xây dựng một ốc đảo tạm thời giữa cơn cuồng phong đang bao quanh. Bản cantilena (hát liền tiếng) trữ tình này, lang thang qua các vùng thanh âm xa xôi, mời gọi trí tưởng tượng của người nghệ sĩ khám phá những sắc thái cảm xúc tinh tế, giống như các chương chậm trong concerto cho piano của Mozart. Giai điệu vừa thanh bình vừa xúc động, khiến người nghe cảm nhận được sự an ủi, nhưng vẫn không hề tách rời khỏi cốt lõi nền tảng của tác phẩm.

Chương cuối cùng, Allegro assai, tiếp tục cường độ kịch tính của phần mở đầu. Chủ đề đầu tiên với nhịp lấy đà bồn chồn, tiến về phía trước với năng lượng không ngừng. Những khoảnh khắc bùng nổ của các đoạn quãng tám và những bước nhảy táo bạo làm nổi bật âm điệu, tạo nên cảm giác biến động và cấp bách. Ngay cả trong coda, nơi Mozart thường tạo đà cho cảm giác kết thúc, âm nhạc thay vào đó lại gia tăng cường độ, kết thúc bản sonata với một sự dứt khoát bốc lửa, không khoan nhượng.

Trong bản sonata này, Mozart vượt ra ngoài các quy ước Cổ điển của thời đại mình, tạo nên một tác phẩm với nỗi xúc động đáng kinh ngạc và tràn đầy kịch tính. Sự nghiêm ngặt về cấu trúc của hình thức sonata được thấm nhuần nhiệt huyết báo trước những cảm xúc anh hùng và bi tráng của thời Beethoven sau này. Mặc dù được sáng tác cho piano, bản sonata này chất chứa bề rộng giao hưởng và giàu cộng hưởng, mời gọi người nghe bước vào thế giới nội tâm sâu sắc và dữ dội của Mozart.

 


 

FREDERIC CHOPIN (1810 - 1849)

Piano Sonata No. 2 in B-flat major, Op. 35

(Sonata cho piano, số 2 giọng Si giáng trưởng, Tập 35)

I. Grave - Doppio movimento
II. Scherzo
III. Marche: Lento
IV. Finale: Presto

 

 

Sonata cho piano, số 2 giọng Si giáng trưởng, Tập 35 của Frédéric Chopin là một kiệt tác được sinh ra từ những biến động trong cuộc sống và tình yêu của chính nhà soạn nhạc. Được sáng tác vào năm 1839 trong thời gian lưu trú tại nơi nghỉ dưỡng vùng nông thôn của George Sand ở Nohant, bản sonata phản ánh cả sự yên bình chữa lành của mùa hè năm đó và cả những bóng tối kéo dài của mùa đông khắc nghiệt trên đảo Majorca. Ở đó, Chopin phải chịu đựng bệnh tật suy nhược, trú ẩn tại một tu viện đổ nát và đứng trước những biến động phức tạp trong mối quan hệ của ông với Sand. Những trải nghiệm này thấm đượm trong bản sonata, truyền vào các chương nhạc sự kịch tính, nội tâm và sự độc đáo nổi bật.

Tác phẩm này đã gây khá nhiều tranh cãi kể từ khi ra mắt. Robert Schumann đã lên tiếng chỉ trích nó như một tập hợp "bốn đứa con ngỗ nghịch nhất" chứ không phải là một bản sonata mạch lạc. Tuy nhiên, theo thời gian, soạn phẩm đã được công nhận là một trong những đóng góp giá trị nhất của Chopin cho nhạc mục piano, thách thức các quy ước cổ điển với chiều sâu thơ mộng và cấu trúc sáng tạo.

Chương mở đầu, Grave - Doppio movimento, bắt đầu bằng một đoạn giới thiệu chậm rãi và hùng vĩ, với những quãng đi xuống báo trước chủ đề về số phận và sự hữu hạn. Chủ đề chính dồn dập đưa người nghe vào vòng xoáy của năng lượng bồn chồn, tương phản với chủ đề thứ hai rực rỡ, trữ tình ở giọng Rê giáng trưởng. Phần phát triển kết hợp thành thạo những yếu tố này, lên đến đỉnh điểm trong một phần tái hiện không dự đoán trước được, thay vào đó hòa trộn những đoạn chủ đề thành một dung giải mạnh mẽ.

Scherzo, một cơn lốc giọng Mi giáng thứ, dâng trào với cường độ ma quỷ và sắc thái bán cung sắc bén. Phần giữa chương nhạc mang đến khoảnh khắc nghỉ ngơi - một giai điệu thanh bình tựa thánh ca ở giọng Sol giáng trưởng - trước khi chủ đề chính bão tố quay trở lại. Trong những ô nhịp cuối cùng, chương nhạc nhẹ nhàng một cách bất ngờ, như thể mang đến cảm giác yên bình thoáng qua.

Trung tâm của bản sonata là Marche funèbre: Lento mang tính biểu tượng, được cho rằng đã hoàn thành hai năm trước đó vào năm 1837. Hành khúc tang lễ này, với giai điệu trang nghiêm, kiên định, đã trở thành một trong những chương quen thuộc nhất trong kho tàng âm nhạc phương Tây. Giữa những phần ai oán bao quanh, Chopin nhẹ nhàng đặt vào giữa một bộ ba dịu dàng, trầm tư - một cái nhìn thoáng qua mong manh về sự an ủi giữa nỗi buồn đau.

Finale: Presto là một sự khác biệt rõ rệt so với những kết thúc sonata truyền thống. Kết hợp những hợp âm rải xoáy nhanh và chuyển động không ngừng, Chopin tạo nên thứ âm nhạc trừu tượng ám ảnh. Không có giai điệu hay hòa âm hài hòa, chương nhạc dường như tan biến vào cõi hư vô, để lại cảm giác bất an kéo dài. Đoạn kết bí ẩn này đã được giải thích là mô tả về sự trống rỗng không thể tránh khỏi, chính là nỗi ám ảnh về sự hữu hạn bao trùm toàn bộ bản sonata.

Sonata cho piano, số 2 giọng Si giáng trưởng, Tập 35 của Chopin vẫn tiếp tục thu hút khán giả và thách thức nghệ sĩ cho đến tận ngày nay. Đó là chuyến du hành qua những vùng cảm xúc mãnh liệt, từ tuyệt vọng và bi kịch đến những khoảnh khắc đẹp đẽ thanh bình thoáng qua. Không chỉ vậy, kiệt tác vượt thời gian này còn là cầu nối tâm hồn trữ tình của thời đại Lãng mạn với sự tự vấn hiện sinh sâu sắc.

 


 

LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770 - 1827)

Piano Sonata No. 26 in E-flat major, Op. 81a “Les Adieux”

(Sonata cho piano, Số 26 giọng Mi giáng trưởng, Tập 81a “Lời từ biệt”)

I. Das Lebewohl: Adagio - Allegro
II. Abwesenheit: Andante espressivo
III. Das Wiedesehen: Vivacissimamente

 

Sonata cho piano, Số 26 giọng Mi giáng trưởng, Tập 81a của Ludwig van Beethoven, thường được biết đến với tên gọi Lời từ biệt, là một tác phẩm giàu cảm xúc và mang tính mô tả, được sinh ra từ một thời khắc lịch sử đầy biến động. Năm 1809, Vienna bị quân đội của Napoleon bao vây, và người bạn thân cũng là người bảo trợ của Beethoven, Đại công tước Rudolph, buộc phải rời khỏi thành phố. Cuộc chia tay đầy kịch tính này khỏi ngôi nhà chung của họ đã truyền cảm hứng cho Beethoven tạo nên một câu chuyện âm nhạc bao hàm những cung bậc cảm xúc của sự chia ly, vắng mặt và tái ngộ - mỗi chương của bản sonata đóng vai trò như một chương riêng biệt trong câu chuyện xúc động này.

Chương mở đầu, Từ biệt: Adagio - Allegro, bắt đầu bằng một đoạn giới thiệu chậm rãi, u nơi. Beethoven sử dụng mô-típ ba nốt nhạc, "Le-be-wohl" (tiếng Đức có nghĩa là "từ biệt"), đóng vai trò là hiện thân âm nhạc cho sự ra đi của Đại công tước. Mô-típ này, gợi nhớ đến tiếng kèn gọi từ nơi xa, được chuyền từ tay này sang tay khác, gợi lên cảm giác khát khao và mất mát. Khi phần Allegro bùng nổ, chủ đề "từ biệt" biến đổi và đan xen với chủ đề đầu tiên đầy năng lượng, thấm đượm toàn bộ chương nhạc trong một tấm kính vạn hoa của các mô-típ chia tay. Phần phát triển vận dụng chất liệu chủ đề này phác họa một cuộc đấu tranh cảm xúc liên tục, trong khi coda mở rộng dường như hòa vào chủ đề, khiến cảm xúc chia ly càng trở nên mạnh mẽ.

Trong chương thứ hai, Vắng mặt: Andante espressivo, Beethoven vẽ nên một bức tranh về sự cô đơn và nỗi khát khao. Thông qua sự kết hợp tinh tế của các hợp âm bảy nhẹ dần và mạnh dần, âm nhạc truyền tải cảm giác đau buồn sâu sắc. Có những khoảnh khắc suy tư, bị gián đoạn bởi những đợt bùng nổ thoáng qua của những hòa âm trưởng vui tươi hơn, gợi ý về những kỷ niệm vui tươi, nhưng tâm trạng chiếm ưu thế là sự vắng mặt và nỗi đau chia ly.

Chương cuối cùng, Tái ngộ: Vivacissimamente, mang đến một sự tương phản hân hoan. Sự rộn ràng của chương nhạc tượng trưng cho sự trở về của Đại công tước, và âm nhạc dâng trào niềm vui và sức sống. Chương nhạc mở đầu bằng một chủ đề tươi vui, hồn nhiên như một cơn mưa giải tỏa và phấn khích. Chủ đề trữ tình tiếp theo điểm xuyết chút khoảnh khắc bình yên, nhưng năng lượng sôi động tổng thể vẫn lan tỏa. Cách sử dụng phát triển đối âm của Beethoven đặc biệt nổi bật ở đây, khi các chủ đề được đan xen với nhau với sức sống vô tận. Khi chương nhạc gần kết thúc, Beethoven giải phóng niềm vui bùng nổ cuối cùng, vang dội, âm nhạc trở thành hiện thân chiến thắng của sự đoàn tụ và vui mừng.

Trong Lời từ biệt, Beethoven vượt qua tác phẩm tiêu đề mang tính tự sự đơn thuần để khám phá một hành trình cảm xúc và mang đậm tính cá nhân. Sự tương phản năng động của bản sonata - giữa nỗi buồn và niềm vui, sự vắng mặt và hiện diện - phản ánh trải nghiệm phổ quát về mất mát và trở về, khiến tác phẩm này trở thành một trong những sáng tác gần gũi và gợi cảm nhất của Beethoven.

 


 

FRANZ LISZT (1811 - 1886)

Rhapsodie Espagnole, S. 254

(Hành khúc Tây Ban Nha, S. 254)

 

 

Hành khúc Tây Ban Nha, S. 254 của Franz Liszt là một bức tranh âm nhạc sống động về Tây Ban Nha, được lấy cảm hứng từ chuyến lưu diễn hòa nhạc của ông qua đất nước này vào mùa đông năm 1844-1845. Tác phẩm rực rỡ này nắm bắt những nhịp điệu nồng nàn, giai điệu đầy màu sắc và kết cấu sống động của âm nhạc dân gian Tây Ban Nha, tất cả được chắt lọc qua kỹ thuật piano đỉnh cao và trí tưởng tượng vô biên của Liszt. Đó là một sáng tác thể hiện không chỉ năng lực kỹ thuật của Liszt mà còn cả khả năng biến những ảnh hưởng văn hóa thành một câu chuyện đầy kịch tính và hấp dẫn.

Bản hành khúc mở đầu với cảm giác huyền bí sâu thẳm, khi âm thanh sâu lắng của âm trầm chậm rãi nhường chỗ cho những hợp âm rải quét lên bàn phím, tạo nên cảm giác năng lượng dâng trào. Liszt giới thiệu chủ đề của Hành khúc Tây Ban Nha, một giai điệu len lỏi khắp tác phẩm, lần đầu tiên được trình bày ở thang âm trầm với sự đơn giản gợi lên nét cổ xưa, tựa như thiền định. Khi âm nhạc phát triển, chủ đề mở rộng về độ phức tạp, những biến tấu của nó trở nên sôi động và kỹ thuật hơn, lấp đầy toàn bộ phạm vi phím đàn piano. Đó là một hành trình dâng trào của năng lượng, nơi mỗi nốt nhạc dường nhạc đều tiến về phía trước, tràn đầy tinh thần Tây Ban Nha.

Trong khoảnh khắc tương phản tinh nghịch, Liszt ngắt quãng kịch tính đang dâng trào bằng hiệu ứng ‘hộp nhạc’ tinh tế ở quãng cao, đặt vào một giai điệu jota vùng Aragon vui tươi. Điệu nhảy dân gian Tây Ban Nha này, đầy quyến rũ và duyên dáng, được đệm bằng những âm thanh trầm bổng ở quãng giữa, gợi lên nét chân chất của vùng nông thôn Tây Ban Nha. Biến tấu tiếp theo đầy rực rỡ chói lọi, mỗi đoạn lại phức tạp và đầy kỹ thuật hơn đoạn trước, cho đến khi âm nhạc đột ngột dừng lại trong một đoạn ngâm nga trầm tư, mang đến khoảnh khắc nghỉ ngơi trữ tình ngắn ngủi nhưng xúc động.

Nhưng nhanh chóng như khi cảm xúc thay đổi, Liszt giải phóng toàn bộ sức mạnh thiên tài của mình. Sự tôn vinh mạnh mẽ của cả hai chủ đề chính bừng tỏa trong một cơn bùng nổ kỹ thuật piano xuất sắc, như thể bản thân âm nhạc đang hít một hơi thật sâu trước khi lao vào một cơn lốc năng lượng dữ dội. Phần này, với những đoạn chạy bùng nổ và kết cấu phức tạp, là ví dụ điển hình cho tài năng biểu diễn đã biến Liszt thành một huyền thoại trên sân khấu hòa nhạc. Cây đàn piano dường như sống dậy dưới bàn tay của ông, tạo ra một dòng thác nốt nhạc hòa quyện trong cơn lốc đam mê và cường độ. Vào thời điểm bản hành khúc chạm đến những hợp âm cuối cùng, âm nhạc đã lên đến đỉnh điểm kịch tính, để lại trong chính những nốt nhạc tiếng vọng từ tâm hồn sống động của đất nước Tây Ban Nha.

Trong Hành khúc Tây Ban Nha, Liszt không chỉ nắm bắt tinh hoa của âm nhạc Tây Ban Nha mà còn nâng tầm nó thông qua kỹ thuật piano phi thường và sự sắp xếp giàu trí tưởng tượng của mình. Tác phẩm là một lễ hội tôn vinh Tây Ban Nha, một màn trình diễn rực rỡ của sắc màu văn hóa và âm nhạc thể hiện khả năng độc đáo của Liszt trong việc tạo ra một thế giới âm thanh vừa đầy kỹ thuật vừa giàu biểu cảm.

 

Soạn bởi: Bùi Thảo Hương

Comments are closed.