Bích Trà: Piano Recital | Giới thiệu tác phẩm
18/11/2023Winter Mixture | Giới thiệu tác phẩm
10/12/2023GIỚI THIỆU TÁC PHẨM
LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770 - 1827)
Piano: Nguyễn Đức Anh
1.Piano Sonata Số 16 giọng Sol trưởng, Op. 31 Số 1
(Piano Sonata No. 16 in G Major, Op. 31 No. 1 )
I. Allegro vivace (G major)
II. Adagio grazioso (C major)
III. Rondo, allegretto – presto (G major)
Bản Sonata cho piano số 16, giọng Sol trưởng nằm trong Opus 31 được xuất bản năm 1802. Opus này là một bộ ba sonata cho piano, bao gồm số 16, 17 và 18. Với các tác phẩm này, chúng ta đang đến gần với biên giới của thời kỳ trưởng thành thứ nhất của Beethoven. Những dấu hiệu thay đổi phong cách xuất hiện khắp nơi. Carl Czerny thuật lại lời của Beethoven rằng: “Cho đến lúc này, tôi cảm thấy không hài lòng với những gì tôi đã sáng tác. Từ đây, tôi dự định dấn thân vào một con đường mới”.
Sonata số 16 được xem là bản sonata hài hước nhất trong 32 sonata của Beethoven. Chương đầu và chương cuối tràn ngập những giai điệu lạc quan, dí dỏm, trêu đùa tinh tế, biểu hiện thông qua những khoảng lặng, những tương phản về cường độ và những đoạn giải kết kéo dài. Phần mở đầu của chương I ngay lập tức trình bày sự kết hợp phá cách giữa hai tay, khi giai điệu chính ở tay phải thì bắt đầu ở nhịp lấy đà còn tay trái thì đánh mạnh vào phách mạnh. Kết cấu nhấn lệch hai tay này lại tiếp tục ở những ô nhịp sau đó và cả ở phần phát triển, tạo nên tính hài hước đặt trưng của toàn bộ chương này. Một sự phá cách khác thường về dàn ý điệu thức cũng xuất hiện trong phần trình bày của chương một. Chủ đề thứ hai thay vì chuyển từ giọng gốc Sol trưởng sang bậc Át (bậc 5) như thường thấy của hình thức Sonata, lại chuyển sang giọng Si trưởng (bậc 3) rồi mới dần đi về bậc 5 như mong đợi. Tiến trình hòa âm này lần đầu xuất hiện trong sonata của Beethoven, và rồi lại tái xuất một cách kịch tính hơn trong chương I Sonata “Waldstein”. Ở phần coda (kết) của chương này, âm hình nhấn lệch hai tay lại xuất hiện trở lại, ban đầu ở âm lượng rất nhỏ (pianissimo) rồi bùng lên rất mạnh (fortissimo) ở gần cuối. Sau một ô nhịp lặng hoàn toàn, bản nhạc kết thúc nhẹ nhàng với hợp âm chủ xuất hiện lặng lẽ ở phách nhẹ của nhịp 2/4, mở ra một khoảng lặng phía sau. Cách kết thúc đặc biệt này cũng xuất hiện ở chương III.
Một nhà xuất bản Thụy Sĩ, Hans Georg Nageli đã mắc sai lầm ngớ ngẩn khi tự ý sửa những phần kết đặc biệt kể trên, và thậm chí còn ngạo mạn đến mức chèn thêm vào 4 ô nhịp ở cuối chương I. Khi nghe phiên bản này, Beethoven đã phản ứng giận dữ và hét lên “Quỷ quái ở đâu ra thế?”. Và rồi các sonata được ông cho xuất bản lại phiên bản chính xác qua người bạn cũ là Simrock ở Bonn và qua Cappi ở Vienna.
Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc
Nguồn: Sách “Beethoven: m nhạc và cuộc đời” (2003)
2. Piano Sonata Số 4 giọng Mi giáng trưởng, Op. 7
(Piano Sonata No. 4 in E-flat Major, Op. 7)
I. Allegro molto e con brio (E-flat major)
II. Largo, con gran espressione (C major)
III. Allegro (E-flat major - Trio in E-flat minor)
IV. Rondo: Poco allegretto e grazioso (E-flat major)
Bản Sonata cho piano số 4 giọng Mi giáng trưởng Op. 7 được xuất bản bởi Artaria vào năm 1796 với tiêu đề “Grande Sonate”, với lời đề tặng Nữ bá tước Babette von Keglevics, một trong những học trò piano đáng ngưỡng mộ của Beethoven vì khả năng chơi đàn phi thường. Sau này, cô còn được Beethoven tặng thêm những tác phẩm lớn khác như Concerto cho piano số 1 và các bộ biến tấu giọng Fa thứ Op. 24. Sonata số 4 được sáng tác trong thời gian Beethoven viếng thăm dinh thự gia đình Keglevich.
Trong sonata số 4, Beethoven tiếp tục sử dụng cấu trúc tác phẩm bốn chương, đưa thể loại sonata cho piano lên ngang tầm quan trọng với các thể loại lớn hơn như hòa tấu thính phòng và giao hưởng. Trong chương I, các ý tưởng âm nhạc nối tiếp nhau như một dòng chảy uyển chuyển, đến mức chúng ta cần một chút nỗ lực mới nhận ra chúng khác nhau thế nào về motif và nhịp điệu. Beethoven trẻ tuổi giờ đây đang học cách cạnh tranh với Mozart để làm sao tạo được sự đa dạng, mạch lạc cho phần trình bày của một sonata. Năm 1896, một nhà phê bình đã ca ngợi bản sonata vì “đầy những hiệu ứng tuyệt vời” và so sánh nó một cách thiện chí với bản Fantasy và Sonata giọng Đô thứ của Mozart. Tuy nhiên, những âm vang cứng rắn, quyết đoán ở đoạn coda cuối chương I cho ta biết đây không phải là Mozart, mà là một Beethoven trẻ trung, mạnh mẽ và quyết đoán.
Cùng với Hammerklavier Sonata, đây là một trong những bản sonata dài nhất của Beethoven, với thời lượng biểu diễn trung bình là 28 phút.
Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc
Nguồn:Sách “Beethoven: m nhạc và cuộc đời” (2005) và Classic and Sacrum School
3. Sonata cho piano số 8 giọng Đô thứ, Op. 13 “Pathétique” (1798)
(Piano Sonata No. 8 in C minor, Op. 13 “Pathétique”)
I. Grave - Allegro di molto e con brio (C minor)
II. Adagio cantabile (A-flat major)
III. Rondo: Allegro (C minor)
Sonata cho piano số 8 giọng Đô thứ, Op. 13 “Pathétique” được sáng tác năm 1798 khi Beethoven mới 27 tuổi, với lời đề tặng dành cho hoàng tử Karl von Lichnowsky, một người bạn của ông. Cho đến tận ngày nay, đây vẫn là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của Beethoven.
Ở thời kỳ cuối thế kỷ 18, dù những buổi công diễn độc tấu các sonata cho piano hầu như chưa được quá ưa chuộng, nhưng những buổi biểu diễn riêng bản “Pathétique” luôn đảm bảo một lượng khán giả lớn hơn bất kỳ sonata nào trước đó của ông. Sức mạnh của tác phẩm gây kinh ngạc cho những người đương thời. Sự hùng hồn và mạnh mẽ của phần mở đầu Grave đã mở đường cho sự kịch tính của chương I mãnh liệt. Chương nhạc đã khuấy lên một cơn bảo hứng khởi chưa từng được nghe thấy trước đây trong các sonata của ông hay của bất cứ ai.
Có thể nói rằng, Sonata số 8 là tác phẩm đầu tiên trong nhóm các sonata 3 chương cho piano mang tính chất kịch tính của Beethoven. Các tác phẩm khác cùng tính chất này có điểm chung là đều có tên gọi riêng, có thể kể đến: Sonata No. 14, “Moonlight”, Sonata No. 17 “The Tempest”, Sonata No. 23 “Appassionata”. Tiêu đề “Pathétique” của Sonata số 8 được đặt bởi nhà xuất bản vì quá ấn tượng bởi tính chất “bi tráng” của tác phẩm. Từ Pathétique có nhiều ý nghĩa đan xen, xuất phát từ pathos là một thuật ngữ tu từ. Trong tác phẩm này, motif mở đầu ở tốc độ Grave có thể ví như đại diện cho thuật ngữ “bi thương” thể hiện bằng âm nhạc. Phần mở đầu này được trở lại ở phần giữa và phần cuối của chương I nhằm mục đích khôi phục lại sự kịch tính. Những lần tái xuất như vậy cũng thấy trong một số tác phẩm khác ở nhiều thời kỳ của Beethoven.
Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc |
Nguồn:Sách “Beethoven: m nhạc và cuộc đời” (2005) và Classic and Sacrum School