A Musical History With German Composers | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
A Musical History With German Composers (24.09.2022)
17/09/2022
DongGue Jung
23/09/2022

A Musical History With German Composers | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

1. Christoph Willibald Gluck (1714 - 1787)

Aria "Hỡi tình yêu dịu ngọt của tôi" trích từ vở opera "Paris và nàng Helen" (1770)

Aria "O del mio dolce ardor" from opera "Paride ed Elena"

Soprano: Lâm Minh Ngọc | Piano: Lê Phạm Mỹ Dung

 

Paride ed Elena (Paris và nàng Helen) là một vở opera của nhà soạn nhạc Christoph Willibald Gluck. Đây là vở thứ ba trong số những vở opera được Gluck cải cách theo trường phái Vienna, sau Orfeo ed Euridice và Alceste, cũng là vở ít được trình diễn nhất trong số ba vở. Cũng giống như những tác phẩm trước đây, phần lời của Paris và nàng Helen được viết bởi Ranieri de' Calzabigi. Vở opera kể câu chuyện về sự lựa chọn của Paris trong cuộc cạnh tranh sắc đẹp giữa 3 nữ thần và chuyến đi của Paris và Helen đến thành Troy. Tác phẩm được công diễn lần đầu tại Burgtheater ở Vienna vào ngày 3 tháng 11 năm 1770.

Người anh hùng Paris ở Sparta, đã chọn Aphrodite là Nữ thần đẹp nhất thay vì Hera hay Athena, cúi đầu trước phần thưởng của Aphrodite và dưới sự khuyến khích của Erasto, bắt đầu hành trình truy cầu tình yêu của nàng Helen. Paris và Helen gặp nhau tại cung điện hoàng gia của nàng và cả hai nhanh chóng ấn tượng bởi vẻ đẹp của đối phương. Helen đã nhờ Paris làm giám khảo một cuộc thi đấu thể thao, và khi được mời biểu diễn, chàng đã hát để ngợi ca vẻ đẹp tuyệt trần của nàng, đồng thời cũng thừa nhận mục đích của chuyến viếng thăm là giành được tình yêu của nàng. Tuy nhiên nàng đã từ chối và xua đuổi Paris. Paris cầu xin Helen trong tuyệt vọng, và nàng bắt đầu dao động. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ từ thần tình yêu Erasto, Paris đã có được tình yêu của nàng Helen, nhưng nữ thần Athena cũng cảnh báo hai người về những hậu họa trong tương lai. Trong cảnh cuối, Paris và Helen đã sẵn sàng lên đường tới thành Troy.

Các aria từ vở opera được sử dụng và dàn dựng cho các buổi hòa nhạc độc lập, trong đó có cả tuyên ngôn tình yêu của chàng Paris được viết ở âm giai thứ ngay ở màn đầu tiên "O del mio dolce ardor" (Hỡi tình yêu dịu ngọt của tôi).

Người dịch: Huỳnh Ngọc Phượng Kiều | Nguồn: Wikipedia

2. Ludwig van Beethoven (1770 - 1827)

Người tình hấp tấp (Tiểu phẩm hài hước), Tập 82 , tác phẩm số 3 (1810)

L'amante impaziente (Arietta buffa), Op. 82, No. 3

Soprano: Lâm Minh Ngọc | Piano: Lê Phạm Mỹ Dung

 

Tác phẩm Tập số 82 của Beethoven được viết dựa trên hai cảnh trong "L'amante impaziente" (Người tình hấp tấp) của Metastasio - một trong những cây viết libretto xuất sắc nhất của opera Ý. Phần đầu tiên theo phong cách buffa (tiểu khúc hài hước) có tựa đề tiếng Đức là “Stille Frage” (Câu hỏi im lặng). Phần hai là seriosa với tựa đề tiếng Đức là “Liebes-Ungeduld” (Sự thiếu kiên nhẫn của tình yêu).

Phần lời của "L'amante impaziente" dù diễn giải một cách nghiêm túc hay hài hước thì đều thích hợp:

Giờ này nàng đang làm gì, hỡi người yêu dấu?
Có lẽ nào nàng sẽ không xuất hiện?
Nàng muốn nhìn thấy tôi phải mỏi mòn
Như thế này...!
Sao ánh mặt trời lại xoay chậm nhường này!
Mỗi giây trôi qua cứ như một ngày dài.

Người dịch: Huỳnh Ngọc Phượng Kiều | Nguồn: The Complete Beethoven

3. Robert Schumann (1810 - 1856)

Piano Sonata số 2 cung Sol thứ, Tập 22, chương I. Nhanh nhất có thể (Nhanh hết cỡ) (1830 - 1838)

Piano Sonata No 2 in G minor, Op. 22, I. So rasch wie möglich

Piano: Lữ Hoàng Thịnh

 

Trong những tuần đầu hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng Schumann đã cùng nhau nghiên cứu tất cả những tác phẩm của bộ thứ nhất, Bình Quân Luật (Well-Tempered Clavier) của Bach. Robert muốn mở mang thêm kiến thức của người vợ Clara về các tiết mục piano dưới sự chỉ dạy của cha, cô chủ yếu chỉ học cách trình diễn sao cho thật điêu luyện.

Vào năm 1841, sau một năm ngày cưới, Clara viết rằng: “Giờ đây, khi càng ít trình diễn trước công chúng, tôi càng căm ghét cái thế giới máy móc và cứng nhắc của những màn biểu diễn điêu luyện ấy... chúng trở nên khá mâu thuẫn với tôi.” Tuy nhiên, đôi khi Robert cũng xin lời khuyên từ Clara, người được đánh giá là một nghệ sĩ biểu diễn dày dặn kinh nghiệm mà ông rất mực tôn trọng. Ví dụ như với bản Piano Sonata số 2 giọng Sol thứ, vào năm 1838, Clara đã nhận xét rằng: “Em cực kỳ hào hứng với ý tưởng của đoạn Sonata thứ hai, nó khơi gợi trong em cảm xúc hạnh phúc cũng như đau khổ. Em yêu nó cũng như yêu anh vậy. Toàn bộ con người anh đều được thể hiện rõ qua bản sonata này, và nó cũng chẳng hề khó hiểu.”

Trong số ba bản sonata dành cho piano của Schumann, bản số 2 cung Sol thứ là súc tích nhất. Đó là một nhạc phẩm cuốn hút và tràn đầy đam mê, là sự kết hợp giữa sự khẩn trương kịch tính đan xen những khoảng khắc dịu dàng, đắm say. Schumann không phải chờ đợi lâu để thu hút sự chú ý của chúng ta, ông đã chiếm lấy nó ngày từ ô nhịp đầu tiên với hợp âm Sol thứ đột ngột, đứt quãng.

Thách thức đầu tiên mà ông đặt ra cho nghệ sĩ piano là đánh dấu ngay tại phần mở đầu rằng "nhanh nhất có thể", chỉ để thúc giục nhạc công chơi "nhanh hơn" và "nhanh hơn nữa" cho đến khi tác phẩm kết thúc. Chủ đề phần mở đầu, được mô phỏng bằng những âm trầm, sử dụng thang âm giảm dần, trở thành một ngụ ý về Clara trong hầu hết các tác phẩm piano của ông - một "tiếng khóc từ trái tim" dành riêng cho nàng khi họ không thể ở bên nhau.

Người dịch: Tôn Thất Quang | Nguồn: Angela Hewitt, Hyperion

4. Robert Schumann (1810 - 1856)

Mê ly, Tập 25, tác phẩm số 1, Dâng hiến (1840)

Myrthen, Op. 25 No. 1, Widmung

Baritone: Craig Haggart, Piano: XT Celine

 

Năm 1840 là “năm của những bài ca” (Liederjahr) của Robert Schumann. Sau 10 năm gần như chỉ sáng tác cho piano, năm 1840 đã chứng kiến sức mạnh bùng nổ của Schumann trong thể loại Nhạc thơ Đức khi ông sáng tác hơn 100 tác phẩm.

Trong đó, tuyển tập bài hát Myrthen (Mê ly) Tập 25 có ý nghĩa đặc biệt với nhà soạn nhạc. Đây là món quà cưới ông dành tặng cho vị hôn thê của mình - nghệ sĩ dương cầm Clara Wieck - người ông lấy làm vợ vào ngày 12 tháng 9 năm 1840, chỉ một ngày trước sinh nhật tuổi 21 của nàng. Hoa "Hương đào" trong tên tuyển tập là một trong những biểu trưng của nữ thần tình yêu Aphrodite, cũng tượng trưng cho hôn nhân của hai người.

Tác phẩm đầu tiên trong tuyển tập, Widmung “Dâng hiến” được viết dựa trên một bài thơ tình của Friedrich Rückert (1788-1866). Niềm khao khát gắn bó mãnh liệt của chàng trai đang yêu với người mình yêu được khẳng định bằng sự lặp lại thường xuyên của "Em" trong hầu hết mọi dòng thơ:

Em là linh hồn, em là trái tim tôi
Em là niềm vui, em là nỗi đau nơi tôi
Em là cả thế giới mà tôi đang sống…

Bài hát của Schumann bắt đầu bằng niềm vui sướng trọn vẹn, được khơi gợi qua một loạt hợp âm rải gợn sóng dẫn đầu bằng nhịp điệu chấm phá, biểu thị cho nhịp tim hối hả dập dồn.

Quãng giữa rung lên với sự nhịp nhàng của bộ ba, nhấn mạnh sự liên tưởng của lời bài hát tới sự an yên và thiên đường (“Em được ban tặng cho tôi từ Thiên đường”).

Người dịch: Tôn Thất Quang | Nguồn: Van Recital

5. Richard Strauss (1864 - 1949)

Tám bài thơ trong Những trang giấy cuối, Tập 10, bài thơ tứ nhất, Cung hiến (Tri tặng) (1885)

Acht Gedichte aus 'Letzte Blätter', Op. 10, No. 1, Zueignung

Baritone: Craig Haggart, Piano: XT Celine

 

Richard Strauss sinh năm 1864 tại Munich, Đức. Cha của ông, Franz, là nghệ nhân chơi kèn chính trong dàn nhạc cung đình Munich và mẹ ông là con gái của một nhà sản xuất bia giàu có. Strauss bắt đầu học piano từ năm 4 tuổi và bắt đầu sáng tác năm 6 tuổi. Các tác phẩm đầu tiên của Strauss bao gồm chủ yếu là các bài Nhạc thơ Đức, các sáng tác cho piano và nhạc thính phòng.

Acht Gedichte aus “letzte Blätter” von Hermann von Gilm, Op. 10 (Tám bài thơ trong Những trang giấy cuối của Hermann von Gilm, Tập 10), được sáng tác vào năm 1885 và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1887. Bài hát đầu tiên trong tuyển tập, Zueignung (Cung hiến), ban đầu được sáng tác ở giọng Mi trưởng và dựa trên bài thơ Habe Dank của Hermann von Gilm. Đây là một trong những bài hát đơn giản và dễ hiểu nhất của Strauss, được viết ở dạng Strophic (điệp khúc) đã sửa đổi và không có hòa âm phức tạp; ba câu hát gần giống nhau với điệp khúc "habe Dank!" được đệm bởi ba đoạn 8 nốt liên tục trên các hợp âm phong phú, tròn trịa.

Bài thơ được viết ở thể thơ ode về tình yêu, với tựa đề là “cung hiến”. Strauss đã đặt các từ khóa quan trọng như “linh hồn”, “đau khổ” và “trái tim” để tách các nốt đen (1/4), từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng trong đoạn thơ. Một ví dụ cho cách sắp đặt này là từ "Helig" (Thánh) trong đoạn thơ thứ 3 được đặt ngay tại nốt cao nhất của bản nhạc, và được nhấn mạnh bằng các hợp âm piano có kết cấu dày đặc lặp đi lặp lại. Mỗi câu đều kết thúc bằng "habe Dank!" (cảm ơn) thể hiện sự dằn vặt sâu trong linh hồn khi phải rời ra người mình yêu. Bài hát kết thúc với lời giải thích về cách tình yêu có thể biến đổi cuộc sống của một người.

Người dịch: Tôn Thất Quang | Nguồn: Clinton K. Warf, OpenSIUC

6. Felix Mendelssohn (1809 - 1947)

Thiên sứ Eliah, Tập 70, Khúc 14: Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel! (1846)

Elias Op. 70, No. 14, Herr, Gott Abrahams, Issaks und Israels (Lord God of Abraham, Isaac and Israel!) Zueignung

Baritone: Craig Haggart, Piano: XT Celine

 

Elijah, Tập 70, truyền kỳ tích (oratorio) của Felix Mendelssohn được công diễn vào ngày 26 tháng 8 năm 1846, tại Birmingham, Anh.

Oratorio kể câu chuyện về nhà tiên tri Elijah trong Kinh thánh. Vai chính, được hát bởi một giọng nam trung hoặc trầm, đòi hỏi trường biểu hiện cảm xúc theo phong cách opera cho giọng hát chính (aria), lần lượt là cầu nguyện, mệt mỏi và thách thức. Ba nghệ sĩ độc tấu chính khác hát nhiều hơn một vai mỗi người.

Khác với các oratorio thông thường, phần nhạc mở đầu của Elijah được theo sau bằng một giọng hát chính (aria) giới thiệu nhân vật chính và thiết lập giai điệu cho phần còn lại của tác phẩm. Theo đó, Elijah đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc rằng Đức Chúa Trời sẽ giáng một trận hạn hán như một hình phạt cho việc người Israel đã làm điều ác trước mặt Chúa.

Người dịch: Tôn Thất Quang | Nguồn: Britannica

7. Felix Mendelssohn (1809 - 1847)

Những bài ca không lời, Tập 67 (1843 - 1845)

No. 1 giọng Mi giáng trưởng: Andante | No. 2 giọng Fa thăng thứ: Allegro leggiero

Lieder ohne Worte, Op. 67

No. 1 in E flat major: Andante | No. 2 in F sharp minor: Allegro leggiero

Piano: XT Celine

 

“Đối với Bài ca không lời, tôi mong rằng tuyển tập sẽ được gửi đến hàng triệu người chơi nhạc nghiệp dư, để họ có thể chơi những tác phẩm này,” đây là những dòng thư bằng tiếng Anh hóm hỉnh mà Mendelssohn viết về Tập 67 cho nhà xuất bản Anh. Sau đó, khi nhận thức được mối nguy từ thành công này, ông đã viết cho nhà xuất bản tại Đức: "Nếu có quá nhiều tác phẩm như thế này trên đời, thì không ai còn thích chúng nữa."

Thời gian đầu, những ca khúc không lời của ông dần được công chúng đón nhận. Nhưng sau đó, 48 Lieder ohne Worte (Những bài ca không lời) của Mendelssohn trở nên phổ biến vào cuối thế kỷ 19 đến nỗi chúng được bắt chước rộng rãi và lời tiên đoán của ông về sự biến mất của chúng gần như đã thành hiện thực. Mặc dù những ca khúc không lời có thể đã từng rất phổ biến trong các căn phòng tiếp khách của thế kỷ 19, nhưng chúng trở nên hiếm thấy trong các phòng hòa nhạc của thế kỷ 20. Mendelssohn bắt đầu sử dụng thuật ngữ "Bài ca không lời" vào khoảng năm 1828. Ông đã phát hành 6 tập cùng một lúc trong suốt cuộc đời của mình.

Người dịch: Huỳnh Ngọc Phượng Kiều | Nguồn: Rock Port

8. Johann Sebastian Bach (1685 - 1750)

Sonata cho Flute giọng Mi thứ, BWV 1034 (1717 - 123)

Flute Sonata in E minor, BWV 1034

Flute: Phan Nguyễn Minh Trang; Piano: XT Celine

 

Johann Sebastian Bach đã sở hữu những kỹ thuật điêu luyện từ rất sớm, nhưng không sở hữu sự nổi tiếng (hay tai tiếng) như người ta thường thấy ở một người có tài năng hiếm có. Sinh năm 1685 và lớn lên ở Eisenach, một thị trấn nhỏ ở Thuringia, Bach theo học tại trường Ngữ pháp Latin, nơi mà các nam sinh thành lập một dàn hợp xướng nhỏ cho phép ông luyện tập “giọng mái hay hiếm có” của mình. Các sáng tác của Bach bao gồm organ, keyboard, dàn nhạc, nhạc thính phòng và hòa tấu. Năm 1723, Leipzig trở thành nhà của ông, nơi ông dẫn dắt “Trường Hợp xướng Thánh Thomas”, và cuối cùng là Học viện Âm nhạc. Trong thời gian ở Cothen, Bach tập trung vào các sáng tác cho các nhạc cụ độc tấu, bao gồm một loạt các bản sonata dành cho flute, cả không và có người hát kèm.

Bản Sonata giọng Mi thứ dành cho Flute, Harpsichord và Continuo BWV 1034, được viết cho nhạc cụ mới dần phổ biến hơn là traverso (sáo ngang) hay sáo một phím, thay thế recorder (sáo dọc). Bản nhạc có bốn chương xen kẽ giữa nhịp độ nhanh và chậm. Chương thứ hai là một thách thức đối với nhạc công vì nó bao gồm hơn một trăm nốt móc kép liên tiếp tưởng chừng như không có chỗ để thở. Chương cuối cùng là một đoạn hội thoại bắt chước thú vị giữa flute và continuo. Các tác phẩm như thế này của Bach đã được biểu diễn trong một loạt các buổi hòa nhạc tại một quán cà phê ở Leipzig vào khoảng năm 1724.

Người dịch: Đỗ Hoàng Minh Nghĩa | Nguồn: Jakob Former Music

9. Ludwig van Beethoven (1770 - 1827)

Sonata viết cho piano số 23 giọng Fa thứ, “Đam mê”, Tập 57, I. Allegro assai (1804)

Piano Sonata in F minor 'Appassionata', Op. 57, I. Allegro assai

Piano: Nguyễn Mai Phương Khanh

 

Sau quãng thời gian làm việc căng thẳng và hoàn thành Sonata số 21 “Waldstein”, Beethoven đã dành trọn mùa hè năm 1804 để nghỉ dưỡng tại khu suối nước nóng ở Baden thuộc Áo, cùng với học trò của ông là Ferdiand Ries. Đây cũng là thời gian ông nhen nhóm ý tưởng cho 2 bản sonata mới là Piano sonata Số 22, Tập 54Piano sonata Số 23, Tập 57. Nhạc sĩ thuê phòng ở trong một làng tại Döbling phía bắc Vienna. Ông thường dành cả buổi chiều đi dạo trên những con đường ven rừng. Ries, người bạn đồng hành trong các buổi dạo chơi thời gian đó, đã kể lại câu chuyện về sự ra đời chương cuối bản sonata:

“Trong một lần dạo chơi vào buổi chiều, chúng tôi đi xa đến nỗi gần như bị lạc và đến tận 8 giờ tối mới trở về Döbling, trên đường về ông ấy bắt đầu hát khe khẽ, đôi khi cất giọng ồm ồm rất rõ một giai điệu trầm bổng, nhưng nghe không ra đâu vào đâu?! Khi tôi hỏi thì ông trả lời đó là chủ đề của chương cuối sonata Tập 57 vừa mới xâm chiếm trí óc ông. Trở về phòng, nhạc sĩ vội vã ngồi vào đàn, thậm chí quên bỏ mũ cũng như nhanh chóng quên cả sự có mặt của tôi. Ông chơi đàn và hát vang nhà với giai điệu sôi nổi mà theo lời ông là của chương cuối bản sonata số 23 trong gần 1 giờ đồng hồ. Cuối cùng ông đứng dậy, ngạc nhiên khi thấy tôi đứng đó và nói: “Rất tiếc là tôi không thể dạy anh được, hôm nay tôi đang có việc phải làm”…”

Appassionata” được đánh giá là một trong những bản sonata hay nhất của Beethoven, với khả năng biểu đạt chuyển động và cảm xúc rực rỡ. Cùng với sonata “Waldstein”, người ta cho rằng nó là được sáng tác từ nguồn năng lượng mới khai sinh cùng với Giao hưởng số 3 “Anh hùng” – một cột mốc chói sáng ghi dấu những nét đặc trưng cấu trúc và biểu cảm trong âm nhạc Ludwig Van Beethoven cũng như bản sonata số 17, bản sonata số 23 này có liên hệ với “Bão táp” của Shakespeare. Song những hình tượng và tư tưởng đấu tranh còn trực giác, mạnh mẽ hơn những hình tượng của Shakespeare, đó là sự vùng lên của con người chống lại bóng đêm để dành lấy ánh sáng tự do.

Trung tâm tác phẩm của “Bão táp” là những biểu hiện của sức mạnh thiên nhiên, lý trí và nghị lực, ở đây là sức mạnh của con người đấu tranh chống định mệnh để dành cuộc sống. Chính vì thế có người đã giải thích Appassionata – “Nồng nhiệt, say sưa, máu lửa". Bản sonata này là một trong những bản sonata tính chất bi kịch lạc quan của nhạc sĩ, gần như toàn các chương đều có kịch tính cao độ.

Chương 1, viết theo hình thức sonata-allegro, chuyển động nhanh sau phần mở đầu gây ngạc nhiên trong việc thay đổi tone và nhịp độ. Chủ đề mở đầu dựa trên 2 motif tương phản. Motif đầu trầm lắng nhưng mang điềm báo đáng ngại, motif thứ hai rất ngắn chỉ với 4 nốt nhưng được nhắc lại quả quyết và đầy khó chịu, được lặp lại có quy luật gợi nhớ đến âm hình “định mệnh gõ cửa” trong chương 1 bản Giao hưởng số 5 của nhạc sĩ sau này.

Nguồn: Nhaccodien.vn

10. Georg Friedrich Händel (1770 - 1827)

Concerto viết cho đàn hạc giọng Mi giáng trưởng, HWV 294, Chương I. Andante allegro (1738)

Harp Concerto in B flat major, HWV 294, I. Andante allegro

Harp: Huỳnh Gia Nguyên Đan

 

Danh tiếng nổi bật của Handel có thể đến từ sự đóng góp của ông cho thể loại Oratorio (truyền kỳ tích) của Anh, và tác phẩm được biết đến nhiều nhất là Messiah (1741). Từ năm 1735 đến năm 1736, ông đã sáng tác bốn trong số các Oratorio này: Esther, DeborahAthalia vào năm 1735, và Lễ hội của Alexander vào năm 1736. Mỗi tác phẩm này đều được công diễn lần đầu tại Covent Gardens - một nhà hát mới vừa được thiết kế, và tất cả chúng đều thành công rực rỡ mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các tác phẩm công diễn khác tại London. Đầu tiên, “Opera of the Nobles” - một sân khấu opera mới và cực kỳ nổi tiếng - đã được dựng lên để cố tình “đánh cắp” khán giả của Handel. Trong đó có một trong những ca sĩ vĩ đại lúc bấy giờ, Farinelli, người có màn trình diễn khiến khán giả cuồng nhiệt và được mệnh danh “One God, One Farinelli!”. Đối với Handel và Covent Gardens, những Oratorio không đủ để thu hút khán giả quay trở lại, và vì vậy Handel, người được ngợi ca rộng rãi là nghệ sĩ organ vĩ đại nhất thời bấy giờ, đã sáng tác sáu bản hòa tấu cho “Dàn Organ Thính Phòng và Dàn Nhạc”, hiện được gọi là bản Harp Concerto giọng Si giáng Trưởng.

Thực sự làm thế nào mà một bản concerto cho đàn organ có thể trở thành một bản concerto cho đàn Harp quả là điều khó hiểu, nhưng nhìn chung người ta đã chấp nhận điều đó. Nhưng sử dụng nhạc cụ gì dường như không quan trọng, bởi vì một trong những vẻ đẹp tuyệt vời của các bậc thầy Baroque, chẳng hạn như Handel, Vivaldi, Telemann và Bach, là sự khéo léo của họ trong việc viết nhạc có thể chơi trên nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Bản Harp Concerto của bất kỳ nghệ sĩ độc tấu nào đều là một trong những vẻ đẹp tuyệt vời đó.

Người dịch: Đỗ Hoàng Minh Nghĩa | Nguồn: Max Derrickson

11. Georg Friedrich Händel (1770 - 1827)

Tổ khúc 7 giọng Sol thứ, HWV 432, Chương VI. Passacaille: Chaconne (1720)

Suite No. 7 in G minor, HWV 432, VI. Passacaille: Chaconne

Harp: Huỳnh Gia Nguyên Đan

 

Tổ khúc 7 giọng Sol thứ, HWV 432 của Händel có nét đặc trưng nằm ở tông nhạc, và người ta cho rằng tác phẩm này có ảnh hưởng sâu sắc đến tông nhạc trong các tác phẩm về sau của Mozart. Mở đầu tác phẩm là một khúc dạo đầu kiểu Pháp hào nhoáng và bi thảm, với phần giới thiệu chậm rãi bằng các nốt nhạc và thang âm nhằm cường điệu một cách khoa trương. Tiếp đó, phần bè rượt đuổi không phải là cuộc xoay vòng nhịp ba kiểu truyền thống, nhưng về tổng thể mang lại một điều gì đấy 'bình thường' nhất về diễn biến tâm trạng của người nghe. Kế tiếp là sự hùng vĩ bi thảm kéo dài từ phần giới thiệu ban đầu, tạo cảm giác như những cuộc tán gẫu đầy ma mị nhưng rất đỗi bình dân. Händel l còn sử dụng nghệ thuật đối âm (fugue) với nhịp điệu dồn dập giữa các bè khác nhau, hàm ý những tiếng cười khúc khích và khoái trá. Ở đoạn cuối cùng, nhịp kết thúc chậm rãi và nguy nga quay trở lại, nhưng không thực sự thuyết phục, có lẽ vì ông muốn khán thính giả vấn vương những giai điệu trước đó.

Người dịch: Trần Ngọc Dương | Nguồn: Hyperion

12. Georg Friedrich Händel (1770 - 1827)

Sonata giọng La thứ, HWV 362 (1712)

Sonata in A minor, HWV 362

Flute: Phạm Thị Thu Thảo, Guitar: Lê Ngọc Niển

 

Trong số hơn 15 sonata viết bởi George Frideric Händel dành cho nhạc cụ độc tấu và một số nhạc cụ có âm vực trầm (basso continuo), có nhiều sáng tác và nhiều kết hợp khác nhau được gộp lại dưới tiêu đề Tập 1. Một phần ba trong số này chủ yếu sáng tác cho nhạc cụ hơi bộ gỗ, cùng với violin, một nhạc cụ phổ biến và thông dụng nhất vào khoảng đầu thế kỷ XVIII.

Tập 1 là ví dụ tuyệt vời về năng lực sáng tác đầy trẻ trung lúc bấy giờ của Händel, rất có thể được sáng tác trước khi ông chuyển đến sống ở Anh vào năm 1712, và cho thấy Händel ở tuổi hai mươi có khả năng chuyển thể phong cách Corelli sonata cực kỳ phổ biến vào thời điểm đó để phù hợp với ngôn ngữ âm nhạc cá tính rất riêng của mình.

Sonata giọng La thứ, bản số 4, Tập 1 (HWV 362) là một trong số rất ít các sáng tác thuộc Tập 1 chỉ có một phiên bản duy nhất. Một lần nữa, Händel sử dụng cấu trúc 4 khúc. Phần mở đầu tạo ra một bối cảnh nhẹ nhàng phù hợp với nhịp chậm Larghetto, trong khi nhịp độ nhanh Allegro được xây dựng dựa trên các hợp âm ngắt quãng lặp lại trong âm bass và âm của sáo. Hơi khác thường so với các bản khác, nhạc cụ như sáo không tham gia liên tục trong khúc thứ 3 cho đến khi một khúc nhạc đầy đủ đã trôi qua.

Người dịch: Trần Ngọc Dương | Nguồn: Rovi Staff,  Allmusic


13. Emil Kronke (1865-1938)

Hai con bướm (Nhị hồ điệp), Tập 165 (1921)

Deux Papillons, Op. 165

Flute 1: Phạm Thị Thu Thảo, Flute 2: Phùng Thái Hà, Piano: Nguyễn Mỹ Linh

 

Nhà soạn nhạc người Đức, Emil Kronke (1865-1938) học tại các nhạc viện ở Leipzig và Dresden với các giáo viên xuất sắc như Carl Reinecke, Thomas Organist Karl Piutti, Felix Draeseke, Theodor Kirchner và Jean Louis Nicodé.

Là một nhà soạn nhạc ở cuối thời kỳ Lãng mạn, Emil Kronke đã sáng tác rất nhiều tác phẩm piano, các tác phẩm dành cho dàn nhạc và opera cũng như các tác phẩm dành cho sáo cùng với nhiều tác phẩm khác. Ông cũng là một nhạc sĩ thính phòng piano và một nhà sư phạm.

Emil Kronke đã sáng tác Hai con bướm (Deux Papillons), Tập 165 hoặc tên thường gọi là Two Butterflies, với hai phần đệm cho Sáo và Piano; một đôi mảnh ghép nhẹ nhàng, vô tư lấy cảm hứng từ Schumann.

Người dịch: Trần Ngọc Dương | Nguồn:All Flute Plus


14. Carl Maria von Weber (1786 - 1826)

Concerto cho bassoon giọng Fa trưởng, J127 Tập 75, Chương I. Allegro ma non troppo (1811 - 1822)

Bassoon Concerto in F major, J127 Op. 75, I. Allegro ma non troppo

Bassoon: Dong Gue Jung, Piano: Lê Phạm Mỹ Dung

 

Vào tháng 2 năm 1811, Weber bắt đầu chuyến công du quốc tế của mình và dự định đi qua các thành phố lớn của Âu Châu như Munich, Prague, Dresden, Berlin, Copenhagen, và St. Petersburg. Vào ngày 14 tháng 3 ông đã đến Munich, thành phố đầu tiên trong chuyến công du này. Tại đây ông đã sáng tác bản concerto cho clarinette Tập  26 (J. 109) và đề tặng cho Heinrich Bärmann, một nhạc công xuất chúng của dàn nhà hoàng gia Munich và sau này trở thành người bạn thân thiết của ông. Bản concerto nhanh chóng được phổ biến rộng rãi tới công chúng. Điều đó khiến cho Maximilian I, vua của xứ Bavaria (thuộc Đức ngày nay), đã ngay lập tức ra lệnh cho Weber sáng tác thêm hai concerto cho clarinette (Bản số 1 giọng Fa thứ, Tập 73: J. 114 và Bản số 2 giọng Mi giáng trưởng Tập 74: J. 118). Bên cạnh đó, đã có rất nhiều nhạc công của dàn nhạc hoàng gia ngỏ ý muốn Weber viết những concerto riêng cho họ. Nhưng chỉ duy nhất Georg Wenzel Ritter, dưới sự giúp đỡ của vua Maximilian I, đã thuyết phục thành công Weber viết một tác phẩm cho mình. Georg Wenzel Ritter cũng chính là nghệ sĩ kèn bassoon yêu thích của Mozart.

Bản concerto cho bassoon được viết từ ngày 14 đến 27 tháng 11 năm 1811. Brandt là người công diễn đầu tiên tác phẩm này vào ngày 28 tháng 12 năm 1811 tại nhà hát Munich. Tuy nhiên thời điểm đó Weber đã tiếp tục chuyến lưu diễn của mình tại Thuỵ Sỹ. Sau lần biểu diễn đầu tiên Brandt đã tiếp tục biểu diễn thêm ba lần nữa tại Vienna (ngày 27 tháng 12 năm 1812), Prague (ngày 19 tháng 2 năm 1813) và Ludwigslust (ngày 21 tháng 3 năm 1817). Riêng bản thân Weber đã đến tham dự vào biểu biển diễn tại Prague, và trước khi gởi bản thảo đến nhà xuất bản Schlesinger tại Berlin vào năm 1822, ông đã có những chỉnh sửa lớn trên bản thảo. Và đó chính là tác phẩm được truyền đến chúng ta ngày hôm nay. 40 năm sau ngày xuất bản vào năm 1823, Schlesinger đã cho ra phiên bản cho bassoon và piano, với một vài chỉnh sửa mới.

Tác phẩm này cũng với concerto cho bassoon của Mozart đã trở thành hai tác phẩm lớn nhất cho kèn bassoon. Chính William Waterhouse đã từng nhận định: “Xét về sức ảnh hưởng quan trọng, bản concerto cho bassoon của Weber chỉ xếp sau bản concerto của Mozart”. Cả hai tác phẩm này đều trở nên nổi tiếng trong danh sách tác phẩm cho kèn bassoon và được sử dụng rộng rãi cho các kỳ thi tại Nhạc viện Paris, cùng với các tác phẩm được viết bởi các nhạc sĩ đời sau.

Người dịch: Võ Châu Duy Tâm| Nguồn: Wikipedia


15. Georg Philipp Telemann (1681-1767)

2 hành khúc trích từ chùm 12 Hành khúc anh hùng: 1. Cao quý, 2. Uy nghiêm (1728)

"12 Marches héroïques" TWV 50: 1. La Majesté, 2. La Grâce

Piccolo trumpet: Nguyễn Hoàng Thiên Ân , Piano: Nguyễn Mai Phương Khanh

 

Georg Philipp Telemann (1681-1767) là một nhạc sĩ Đức vào cuối thời kỳ Baroque. Ông viết nhiều tác phẩm âm nhạc, bao gồm cả thánh nhạc và nhạc thế tục. Tuy nhiên có lẽ ông được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm nhạc nhà thờ, từ những bản cantata nhỏ đến những tác pẩm lớn cho dàn nhạc, hợp xướng và solo.

Tác phẩm Heroic Marches của ông dành cho kèn trompette và organ (hay piano) là một chùm các điệu hành khúc và điệu hành rước lễ. Tác phẩm này thường được biểu diễn trên kèn trompette piccolo và đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật cho loại nhạc cụ này.

Người dịch: Võ Châu Duy Tâm | Nguồn: QPress


16. Carl Höhne (1871-1934)

Khúc ngẫu hứng Slav (1899)

Slavische Fantasie

Trumpet: Nguyễn Hoàng Thiên Ân , Piano: Nguyễn Mai Phương Khanh

 

Carl Höhne (1871-1934) là một nhac sĩ và nhạc công biểu diễn solo kèn cornet người Đức. Bên cạnh những tác phẩm solo cho bộ đồng, Höhne còn viết một tài liệu bàn luận về cách biểu diễn kèn cornet. Slavische Fantasie (Khúc ngẫu hứng Slav) là một tác phẩm cho kèn cornet hoặc trompette được viết vào năm 1899 cho nghệ sĩ kèn cornet tài ba Franz Werner. Tác phẩm âm nhạc này đưa khán giả đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau bằng những câu nhạc hết sức trữ tình đan xen với những đoạn nhạc đòi hỏi kỹ thuật cao của nghệ sĩ biểu diễn.

Người dịch: Võ Châu Duy Tâm | Nguồn: The Wind Repertory Project

Comments are closed.