Người trẻ đã đến với âm nhạc hàn lâm
18/09/2016Giới trẻ tìm đến nhạc cổ điển
04/10/2016Tại TP.HCM, hai hoạt động đem âm nhạc cổ điển đến với bạn trẻ diễn ra khá đều đặn: nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn mỗi tháng trung bình có một đêm diễn và chương trình Giai điệu trẻ tại Nhà hát TP.HCM.
Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn mỗi tháng trung bình có một đêm diễn là một chương trình được chuẩn bị chỉn chu với sự tham gia là chính các nghệ sĩ trẻ.
Những đêm diễn có chủ đề, có kịch bản, được truyền thông bài bản, với mức phí tượng trưng, mang tính hỗ trợ 50.000 đồng/người đã tìm được những người khách tri âm của mình.
Trong khi đó, chương trình Giai điệu trẻ diễn ra đều đặn vào ngày 29 hằng tháng tại Nhà hát TP.HCM với vé mời miễn phí dành cho các bạn trẻ, chủ yếu là học sinh – sinh viên.
Tính hấp dẫn của chương trình này chính là các tác phẩm chọn lọc, phần dẫn dắt có tính cung cấp kiến thức, hướng dẫn người nghe làm quen từ nhạc cụ đến thể loại, từ tác giả đến phong cách… Đặc biệt, những nghệ sĩ tham gia chương trình đều là những nghệ sĩ tên tuổi.
Tiếc thay, khán giả của Giai điệu trẻ sau này đông vắng thất thường, nhất là vào mùa hè khi sinh viên nghỉ học. Vì nhiều lý do khách quan chương trình không còn đảm bảo tính định kỳ, lần gần đây nhất chương trình này diễn ra là ngày 29-5.
Bù vào đó, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) sớm triển khai một cách làm mới để đem âm nhạc cổ điển đến với bạn trẻ, đó là tặng vé khu vực lầu 2 của khán phòng Nhà hát TP.HCM cho sinh viên các trường (lần lượt từng trường một).
Anh Nguyễn Minh Tân – phụ trách truyền thông của HBSO – cho biết trong thời gian tới, HBSO dự kiến xây dựng những chương trình đưa âm nhạc cổ điển tiếp cận trực tiếp với khán giả trẻ tại trường cấp II, cấp III, đại học.
Tại Hà Nội, nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh cùng chồng – nghệ sĩ opera Park Sung Min – đang tích cực “rủ rê” các bạn sinh viên Hà Nội khám phá âm nhạc cổ điển.
Trang Trịnh và Park tham gia đứng lớp hai khóa học miễn phí khám phá âm nhạc cổ điển Khi ta 20 (4 buổi) và Trải nghiệm dàn hợp xướng sinh viên (12 buổi) tại Trường đại học Khoa học tự nhiên. Đây cũng là dự án do chính họ chủ động đề xuất và được Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam tài trợ.
Biết là ít ỏi về thời gian và chỉ có ít bạn trẻ thực sự hứng thú tham gia (hơn 30 người) trong khi tham vọng rất nhiều (chẳng hạn như để bạn trẻ không tiếp tục lắc đầu, nhún vai từ chối và bảo nhạc cổ điển dành cho người già; để bạn trẻ bước đầu hiểu thế nào là nhạc cổ điển; để bạn trẻ yên lặng lắng nghe…), dường như lúc nào Trang Trịnh cũng gom góp từng giây từng phút để tranh thủ kể chuyện rồi “rủ rê” những tâm hồn trẻ “mon men” đến gần khu vườn âm nhạc cổ điển, diệu kỳ.
Tất nhiên, Trang Trịnh bắt đầu câu chuyện từ thiên tài âm nhạc Beethoven, nhưng không phải là việc liệt kê thành tựu đồ sộ gồm những bản giao hưởng, concerto… của ông mà là câu hỏi đầy tính liên hệ: “Khi 20 tuổi Beethoven làm gì?”.
Rồi thì, cô đơn giản hóa thuật ngữ chuyên môn, sinh động hóa lịch sử của nhạc cổ điển bằng những hình ảnh, clip ngộ nghĩnh, đáng yêu và nhắn nhủ rằng:
“Nhạc cổ điển cũng có tuổi 20, cũng dần lớn lên và tràn đầy sự trẻ trung, niềm xôn xao của những cung bậc cảm xúc như tuổi trẻ của mỗi người. Chỉ cần lắng nghe là sẽ thấy thôi”…
Và Trang Trịnh còn mời những nghệ sĩ rất trẻ chơi piano, đàn dây, hát opera… đến biểu diễn trực tiếp. Đặc biệt, các bài biểu diễn ấy đều được chuẩn hóa về âm thanh và nghệ sĩ thì chơi hết mình.
Bằng mọi cách, ròng rã bao năm qua, nghệ sĩ dương cầm nhỏ bé đeo đuổi ước mơ “phổ cập âm nhạc cổ điển” đến công chúng Việt Nam, từ mở dàn nhạc giao hưởng diệu kỳ cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cho đến hoạt động lần này.
Với Trang Trịnh, những nỗ lực lâu nay có thể mới chỉ xóa bỏ sự lưỡng lự, ngại ngần của bạn trẻ để họ chịu “ngó” vào khu vườn nhạc cổ điển, nhưng điều đó cũng đã là thành công.
VÕ CA DAO – ĐỨC TRIẾT
Nguồn: Tuổi trẻ