Recollection (17.09.2016)
15/09/2016Người trẻ đã đến với âm nhạc hàn lâm
18/09/2016Sài Gòn buổi tối Thứ Bảy trung tuần tháng 1 của năm 2014, bạn bước vào một ngôi nhà ở ngay mặt đường Hai Bà Trưng, con đường thuộc loại ồn ào bậc nhất của thành phố này, với những dòng xe lưu chuyển gần như bất tận, bạn đi mấy bậc thang là lên tới lầu một, nơi có một gian phòng vừa phải, cửa sổ mở ra đường, nhưng tối nay nó được đóng kín, ngăn cách không gian đường phố không ngừng ồn ào và cái không gian đặc biệt do Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn tạo ra: không gian của âm nhạc cổ điển.
Ánh đèn vàng làm ấm nóng cả căn phòng, cây đàn piano đặt gần cửa sổ, vào lúc 5h chiều nó im lặng, hiền lành, và chờ đợi. Sau 6h, nó bắt đầu khuấy đảo với những dòng âm thanh thực sự đối lập với dòng âm thanh vẫn liên hồi vang lên ở phía bên kia cửa sổ. Chỉ với một khung cửa sổ thôi mà thế giới có thể chia làm hai, cứ như thể là có hai thế giới khác nhau ngăn cách bởi một lằn ranh hết sức mỏng manh. Phía bên trong cánh cửa là một Sài Gòn khác, một Sài Gòn của nghệ thuật bậc thầy và của những tâm hồn hướng tới những giá trị đỉnh cao trong âm nhạc, Sài Gòn của những khoảnh khắc mơ mộng, thanh cao và quý phái, Sài Gòn của những nỗ lực về nghệ thuật và của tình yêu đối với cái đẹp thuần khiết.
Âm nhạc và tiếng ồn, bạn sẽ cảm nhận được sự đối lập của hai loại âm thanh đó rõ rệt như thế nào, ở đây, ngay khung cửa sổ, vào một buổi tối như tối Thứ Bảy đầu năm này. Bạn sẽ hiểu vì sao ta cần âm nhạc, bạn sẽ hiểu vì sao con người không thể sống thiếu âm nhạc.
Những buổi biểu diễn như thế này là sinh hoạt định kỳ của một nhóm các bạn trẻ yêu nhạc cổ điển ở Sài Gòn. Họ là những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ. Họ là những học sinh phổ thông, những sinh viên nhạc viện, đôi khi có cả các giảng viên âm nhạc và một vài nghệ sĩ chuyên nghiệp. Sinh hoạt của họ mô phỏng sinh hoạt của các salon âm nhạc châu Âu từ một vài thế kỷ trước. Họ muốn mang âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng qua những không gian gần gũi, nhưng cũng không kém phần trang nhã và quý phái.
Khi thị hiếu chung về nghệ thuật đang giảm sút như hiện nay thì nỗ lực của họ cũng thật đáng quý như âm nhạc của họ, thứ âm nhạc đỉnh cao của những tên tuổi nổi tiếng. Bước vào không gian của họ, ta bước vào thế giới của những Mozart, Bethoven, Shubert, Liszt, Tchaikovski, Schumann… với những giai điệu tuyệt đẹp đủ mọi cung bậc, những giai điệu mà một thành phố như Sài Gòn rất cần cảm nhận. Bởi thành phố này đang càng ngày càng bị xâm chiếm bởi sự ồn ào, bụi khói, bởi thị hiếu tầm thường, thậm chí đôi khi dung tục. Và cũng hơi buồn là nhà hát lớn Sài Gòn có rất ít hoạt động, nhà hát thì hơi im lìm chết chóc trong khi âm nhạc lại cần được sống.
Ở đây dĩ nhiên tôi không bàn về nhạc cổ điển, tôi chỉ muốn nói tới những việc làm đẹp đẽ của một nhóm bạn trẻ, những người mang gương mặt âm nhạc và có tâm hồn âm nhạc. Tất cả họ đều rất trong sáng, vẻ trong sáng mà giờ đây khó có thể tìm thấy ở một vài giới trong xã hội này. Âm nhạc đang sống cùng họ, có cảm giác như âm thanh vang lên từ gương mặt họ. Thực ra, không chỉ Sài Gòn cần nhạc cổ điển, (một thành phố lớn không thể chỉ có những không gian ăn uống đáp ứng những nhu cầu thuộc phần hạ thể của con người, thành phố này còn cần đến không gian cho cái đẹp đáp ứng những nhu cầu tinh thần của con người), mà những người chơi nhạc cũng cần có công chúng của họ. Một nhà văn khi sống đời sống nhà văn của mình bằng cách viết một tác phẩm, nếu không có độc giả ngay lập tức, nếu không được in ra ngay lập tức, còn có thể tự an ủi rằng người ta sẽ đọc nó, thậm chí sau khi ông ta chết. Nhưng đối với một nhạc công, đời sống của anh ta chính là trong khi chơi nhạc, và anh ta cần công chúng thưởng thức tài chơi nhạc của mình. Không có công chúng thì không thể kích thích tài năng và sự phát triển nghề nghiệp của nhạc công. Nhóm nghệ sĩ trẻ này không chịu đầu hàng, họ vẫn tin vào sự ủng hộ của công chúng đối với nghệ thuật của họ.
Quả thật họ đã nhận được sự ủng hộ. Nhiều người đã đến để nghe nhạc của họ. Có những khách sạn tài trợ khán phòng cho họ biểu diễn. Hy vọng rằng càng ngày càng có nhiều người ủng hộ họ hơn nữa. Và ủng hộ những nghệ sĩ này cũng chính là ủng hộ thiên hướng yêu chuộng cái đẹp và khao khát nghệ thuật trong mỗi chúng ta.
Có một Sài Gòn rất khác
Nguyễn Thị Từ Huy – Sài Gòn, 12/1/2014
Nguồn: Báo Trẻ Online