Beethoven: Piano Sonata VIII: Hammerklavier | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Florestan Quintett
09/07/2024
Beethoven Piano Sonatas Cycle: Recital VIII “HAMMERKLAVIER” (21.07.2024)
17/07/2024

Beethoven: Piano Sonata VIII: Hammerklavier | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Pianist: Nguyễn Đức Anh

Cuộc khủng hoảng điếc có ảnh hưởng mạnh đến khả năng đối diện với thế giới xung quanh của Beethoven, nhưng đồng thời, ông cũng đã tìm ra cách để bảo vệ thế giới sáng tạo bên trong khỏi những xâm phạm từ thế giới bên ngoài.

Có lẽ bệnh điếc đã cho Beethoven cách để chuyển hóa những nỗi đau mất mát, thiếu thốn tình yêu thương, để ông không còn biểu hiện nó bắng sự giận lẫy với người khác nữa mà biểu hiện bằng âm nhạc trong một thế giới cô đơn riêng mình. 

 


 

Sonata cho piano số 19 giọng Sol thứ , Op. 49, Số 1 (1797)
Piano Sonata No. 19 in G minor, Op. 49, No. 1 (1797)

I - Andante (G minor)
II - Rondo: Allegro ( G major)

Bản Sonata cho piano số 19 giọng Sol thứ, Op. 49, số 1, là một trong những bản sonata ngắn của Beethoven. Mặc dù được xuất bản vào năm 1805, nhưng thực ra nó đã được Beethoven hoàn thành trước đó khoảng một thập kỷ, vào đầu cho đến giữa năm 1979, cũng là vào khoảng thời gian mà ông viết bản sonata số 3 và số 4.

Thật ra, ban đầu Beethoven không có ý định xuất bản hai bản sonata Op. 49 này vì ông cho rằng chúng không đáng được chia sẻ. Chính anh trai của ông là Kaspar van Beethoven đã chủ động xuất bản chúng trái với mong muốn của nhà soạn nhạc. Nhờ quyết định đó của người anh trai, hai bản sonata này đã được truyền lại cho chúng ta thưởng thức. Cả hai bản sonata 19 và 20 đều là những tác phẩm ngắn, gồm hai chương, mang phong cách cổ điển, được Beethoven dành tặng cho bạn bè và học trò của mình.

Điều đó không có nghĩa rằng chúng không phải là những tác phẩm tuyệt vời. Chương một của piano sonata số 19 với chủ đề đầu tiên mang cảm xúc buồn bã, chủ đề thứ hai mang màu sắc trữ tình. Ngay sau đó, Beethoven bỏ qua các chương chậm và chương mang tính chất điệu nhảy như thông thường, và lập tức di chuyển đến chương kết. Chương kết là một bản rondo, bắt đầu với tính chất vui tươi, hài hước, với các đoạn episodes ở giọng Sol thứ, Si giáng trưởng, và Sol trưởng. Mặc dù đây không phải là một tác phẩm có tính chất mới mẻ, đổi mới, nhưng sonata số 19 đã được viết một cách hoàn hảo, và có thể xem nó là một ví dụ về hình thức sonata hai chương cổ điển ngắn gọn, duyên dáng, với cách diễn đạt tự nhiên mà chỉ những nhà soạn nhạc cổ điển bậc thầy mới có thể đạt được.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc


 

Sonata cho piano số 29 giọng Si giáng trưởng , Op. 106 “Hammerklavier” (1818)
Piano Sonata No. 29 in B♭ major, Op. 106 “Hammerklavier” (1818)

I - Allegro (B-flat major)
II - Scherzo: Assai vivace (B-flat major)
III - Adagio sostenuto (F# minor)
IV - Introduzione: Largo... Allegro – Fuga: Allegro risoluto (B-flat major)

Bản Sonata cho piano số 29 của Ludwig van Beethoven giọng Si giáng trưởng, Op. 106 “Hammerklavier” là tác phẩm được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong thời kỳ thứ ba của nhà soạn nhạc và là một trong những bản sonata piano hay nhất mọi thời đại. Được hoàn thành vào năm 1818, nó thường được coi là tác phẩm piano thách thức nhất về mặt kỹ thuật của Beethoven và là một trong những tác phẩm solo đòi hỏi khắt khe nhất trong danh mục các tác phẩm piano cổ điển. Buổi biểu diễn công khai đầu tiên của tác phẩm được ghi lại là vào năm 1836 bởi Franz Liszt tại Salle Erard ở Paris với những lời đánh giá nồng nhiệt của Hector Berlioz.

Đặc điểm nổi bật nhất của tác phẩm này, có lẽ là ở độ dài của nó, với thời lượng trình diễn thông thường vào khoảng hơn 40 phút. Cùng với những tác phẩm có độ dài đồ sộ như giao hưởng “Eroica”, tứ tấu dây Op. 59 số 1, “Hammerklavier” được xem là tượng đài biểu trưng cho tầm nhìn xa của Beethoven, đáp ứng cho nhu cầu mở rộng phạm vi để thể hiện những ý tưởng mạnh mẽ, vừa mang tính trí tuệ và tình cảm. Có thể nói, việc sáng tác “Hammerklavier” trong năm 1817 - 1818 cũng tương đương với việc sáng tạo cả một bản giao hưởng.

Hammerklavier” chứa đựng vô số những ý tưởng, thủ pháp cho chúng ta khám phá. Có thể lấy một chi tiết nổi bật là cách sử dụng quãng 3 của Beethoven. Quãng 3 thấm sâu vào tác phẩm này ở mọi cấp độ, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ của motiv tạo động lực và cấu trúc hòa âm. Chủ đề chính của cả ba chương đều được xây dựng trên cùng một motiv: các quãng 3 đi lên rồi đi xuống. Trong chương cuối cùng, quãng 3 cũng là quãng cấu tạo nên giai điệu bè trầm, và giai điệu của phần fugue. Về mặt hòa âm, phần phát triển của chương ba cũng được xây dựng trên một chuỗi quãng 3, và phần trio di chuyển giữa hai giọng cách nhau quãng 3 là Si giáng thứ và Rê giáng trưởng.

Cấp độ cấu trúc thậm chí còn sâu sắc hơn, quãng 3 có sức lan tỏa toàn diện. Chúng ta có thể mong đợi, trong một bản sonata Si giáng trưởng, giọng Át Fa trưởng sẽ đóng một vai trò quan trọng. Thế nhưng trong hơn 40 phút âm nhạc, không có một lần chuyển điệu nào vào giọng đó. Thay vào đó, Beethoven xây dựng một hệ thống phức tạp gồm bốn giọng điệu xung quanh Si giáng và quay lại với chúng nhiều lần. Ba trong số chúng, Sol, Rê và Fa thăng, đều cách Si giáng một quãng 3.

Còn nhiều điều thú vị hơn nữa về “Hammerklavier”. Tác phẩm này là một ví dụ nổi bật cho phong cách thời kỳ cuối của Beethoven, với việc ông sử dụng lối viết đối âm ngay ở chương 1. Ở chương cuối cùng, Beethoven đã sử dụng một số lượng rất lớn các thủ pháp đối âm, tạo ra sự cuồng nộ dữ dội đến mức trái ngược với những liên tưởng thông thường và bảo thủ đối với thể loại phức điệu.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)

Comments are closed.