Beethoven: Piano Sonata VII: Appassionata | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Beethoven Piano Sonatas Cycle: Recital VII “APPASSIONATA” (09.06.2024)
27/05/2024
Memories of the Past (22.06.2024)
28/05/2024

Beethoven: Piano Sonata VII: Appassionata | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Pianist: Nguyễn Đức Anh

Cuộc khủng hoảng điếc có ảnh hưởng mạnh đến khả năng đối diện với thế giới xung quanh của Beethoven, nhưng đồng thời, ông cũng đã tìm ra cách để bảo vệ thế giới sáng tạo bên trong khỏi những xâm phạm từ thế giới bên ngoài.

Có lẽ bệnh điếc đã cho Beethoven cách để chuyển hóa những nỗi đau mất mát, thiếu thốn tình yêu thương, để ông không còn biểu hiện nó bắng sự giận lẫy với người khác nữa mà biểu hiện bằng âm nhạc trong một thế giới cô đơn riêng mình. 

 


 

Sonata cho piano số 15 giọng Rê trưởng “Pastoral”, Op. 28 (1801)
Piano Sonata No. 15 in D major “Pastoral”, Op. 28 (1801)

I - Allegro (D major)
II - Andante (D minor)
III - Scherzo: Allegro vivace (D major)
IV - Rondo: Allegro ma non troppo (D major)

Bản sonata cho piano số 15 giọng Rê trưởng, Op. 28 “Đồng quê” được sáng tác vào năm 1801, được dành tặng cho Bá tước Joseph von Sonnenfels. Tác phẩm được viết vào thời điểm mà Beethoven đang lo lắng về tình trạng điếc ngày càng trầm trọng của mình. Mặc dù không nổi tiếng bằng bản nhạc tiền nhiệm của nó là Piano sonata số 14 “Moonlight Sonata”, nhưng nó vẫn được ngưỡng mộ bởi sự phức tạp và tính kỹ thuật trong tính chất âm nhạc giản dị mà nó khắc họa nên. Tên gọi “Pastoral” (“Đồng quê”) không phải do Beethoven đặt, mà là do nhà xuất bản của ông vào thời điểm đó là A. Cranz đặt cho. 

Chương 1 đặc trưng bởi bè trầm trì tục chơi lặp đi lặp lại nốt chủ âm, gợi ra âm hưởng của timpani. Âm hình này tiếp tục được lặp đi lặp lại trong suốt chương 1 với những hình dạng khác nhau. Ở tầng trên cùng, chủ đề chính hết sức giản dị hiện ra nhẹ nhàng, yên ả. Chủ đề phụ ở giọng Fa thăng thứ tuy vẫn được xây dựng trên biến tấu của âm nền lặp lại nhưng mang một cảm xúc căng thẳng hơn. Ở đây, sự tương phản của chương này là khá rõ ràng: sự bình thản, yên bình dần dần chuyển thành tính chất lo âu và bất ổn. Tính kịch tính của chương này càng ngày càng cao hơn trong phần phát triển khi âm nhạc di chuyển sang các giọng phụ khác nhau, trong khi chủ đề chính được nén lại chỉ còn một ô nhịp lặp đi lặp lại và dần dần biến mất, trước khi các chủ đề được tóm tắt lại trong phần tái hiện.

Chương 2 Andante ở giọng Rê thứ mang một cảm xúc u ám và dịu dàng hơn. Đặc trưng của chương này là phần âm trầm tay trái staccato mang lại cảm giác như một cuộc hành quân. Trong khi đó chương 3 là một bản scherzo hài hước, vui vẻ. Đặc điểm quan trọng nhất của nó là sự tương phản giữa bốn nốt dài, mỗi nốt cách nhau một quãng tám và một giai điệu rung chuyển nhanh tiếp nối sau đó. Toàn bộ chương 3 mang lại sự so sánh thú vị khi được tiếp nối với tính chất u ám của chương 2.

Chương cuối là một bản rondo du dương, và có lẽ là chương có tính chất gần nhất với tiêu đề “Đồng quê”. Điều thú vị là, Điều thú vị là, không chỉ trong số các bản sonata cho piano mà còn tất cả các tác phẩm đã xuất bản của ông tính đến thời điểm này, đây là lần đầu tiên Beethoven quyết định viết non troppo (không quá nhiều), vì vậy hướng dẫn này rõ ràng có ý nghĩa rất lớn đối với ông. Âm nhạc của chương này đầy tính nhịp điệu. Một số nhà phê bình cho rằng, âm hình lặp đi lặp lại ở tay trái là một tiếng kèn túi, trong khi một số người khác khác lại cho rằng đó là hình ảnh của một điệu múa. Đoạn cuối, chơi nhanh hơn một chút so với allegro (Più allegro) đã tạo nên một phần kết rực rỡ cho cả một bản sonata êm đềm.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)

 


 

Sonata cho piano số 11 giọng Si giáng trưởng, Op. 22 (1800)
Piano Sonata No. 11 in B♭ major, Op. 22 (1800)

I - Allegro con brio (B-flat major)
II - Adagio con molto espressione (E-flat major)
III - Menuetto (B-flat major)
IV - Rondo: Allegretto (B-flat major)

Bản sonata cho piano số 11 giọng Si giáng trưởng, Op.22 được sáng tác năm 1800 và xuất bản hai năm sau đó. Đây là tác phẩm được chính Beethoven nhận xét là một trong những tác phẩm hay nhất của ông khi ông nói với nhà xuất bản của mình là “diese Sonate hat sich gewaschen” (“sonata này là một tác phẩm tuyệt đỉnh”). Bản thân giọng Si giáng trưởng cũng được Beethoven yêu thích vì tính tinh tế của nó.

Đặc điểm nổi bật của tác phẩm này không nằm ở tính chất đổi mới, thử nghiệm, cách mạng như rất nhiều các tác phẩm khác của Beethoven, thay vào đó, đây là một tác phẩm mang nét đẹp của tính chất “truyền thống” của thể loại sonata cho piano. Điều này có nghĩa là chương 1 thường giữ một tốc độ đều đặn xuyên suốt, những âm hình đi xuống quãng ba đã rất phổ biến trong âm nhạc của Haydn và Mozart xuất hiện hết sức thường xuyên, hay chương 2 với giai điệu hoa mỹ, lãng mạn… Không hề thua kém về tính biểu cảm nếu so với “Appassionata” hay “Waldsten”, sonata số 11 đã thành công như là một tác phẩm đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ mang đậm phong cách cổ điển của Beethoven. Kể từ đây, tinh thần thể nghiệm, đổi mới, phá cách sẽ thay thế và chiếm vai trò quan trọng nhất trong các tác phẩm của ông. 

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)

 


 

Sonata cho piano số 23 giọng Fa thứ “Appassionata”, Op. 57 (1796)
Piano Sonata No. 23 in F minor “Appassionata”, Op. 7 (1796)

I - Allegro assai (F minor)
II - Andante con moto (D-flat major)
III - Allegro ma non troppo – Presto (F minor)

Bản Sonata cho piano số 23 giọng Fa thứ "Appassionata", Op. 57, là một trong các tác phẩm quan trọng nhất thời kỳ giữa của Beethoven, cùng với các sáng tác nổi tiếng khác như bản giao hưởng "Eroica". Được sáng tác vào khoảng năm 1805, tác phẩm phản ánh phong cách đặc trưng của thời kỳ “Anh hùng” của Beethoven với sự đam mê mãnh liệt đi cùng với sự kịch tính, hỗn loạn, biến đổi thất thường và đặc biệt là tinh thần đổi mới mạnh mẽ.

Tương tự như bản sonata số 1, “Appassionata” sonata cũng mở đầu với giai điệu hợp âm rải Fa thứ, nhưng được chơi đồng thời ở hai tay cách nhau hai quãng tám và hạ đến nốt thấp nhất trên phím đàn dài năm quãng tám của Beethoven, trước khi leo trở lên và kết lơ lửng ở một nốt rung trên hợp âm Át mà không hề có sự giải quyết. Tòan bộ ý nhạc này được ông nhắc lại nhưng ở một quãng nửa cung cao hơn, gợi ý rằng quãng nửa cung sẽ là đặc trưng chính của chương một. Điều này giống như gợi ra những câu hỏi mơ hồ, dai dẳng nhưng không hề có lời giải đáp. Sự dai dẳng này tiếp tục được kéo dài với motif liên ba đi xuống nửa cung một cách lặng lẽ, motif mà sau này đã thống trị toàn bộ bản Giao hưởng số 5 vĩ đại của Beethoven, trước khi toàn bộ tiến trình âm nhạc bị xé toạc bởi một nét chạy hợp âm nghịch đầy sự giận dữ và phẫn nộ từ điểm cực cao đến tận điểm cực trầm trên phím đàn, để rồi kết thúc toàn bộ đoạn nhạc với một giải kết lửng ở hợp âm Át. Chỉ trong một đoạn nhạc ngắn ngủi, Beethoven đã trình bày toàn bộ chất liệu tạo nên sự kịch tính và giông bão của cả chương. Đây là một sự súc tích đáng kinh ngạc. Chương một này tiếp tục thể hiện sự cách tân mạnh mẽ của Beethoven thông qua việc ông xây dựng chủ đề phụ bằng cách biến tấu trực tiếp từ chủ đề chính, thay vì là sử dụng một chủ đề đối nghịch hoàn toàn như các tác phẩm sonata đương thời khác. Sự thống nhất chặt chẽ của hai chủ đề này tạo ra cảm giác thống nhất một cách cực độ mặc dù cảm xúc âm nhạc biến đổi không ngừng. Sự thống nhất này được khẳng định mạnh mẽ khi hai chủ đề hòa quyện với nhau ở phần tái hiện. 

Beethoven đã chuyển tiếp sự kịch tính của chương 1 thành sự yên bình của chương 2 “Andante con moto”, mang tính chất âm nhạc hợp xướng. Mặc dù được viết ở thể loại chủ đề và các biến tấu, nhưng toàn bộ các biến tấu vẫn nằm ở giọng gốc Rê giáng trưởng, tạo nên một sự ổn định và tĩnh lặng cao độ. Thế nhưng, khi chúng ta đã tưởng chừng sự tĩnh lặng này sẽ được đọng lại cho đến hết chương, chỉ với hai hợp nghịch đột ngột ở cuối chương, Beethoven đã mở đường cho bão tố trở lại ở chương cuối, biến toàn bộ chương 2 trở thành một “khoảnh khắc bình yên trước giống bão”. Chương cuối, một sự chuyển động không ngừng với các nốt nhạc cuồn cuộn, đầy năng lượng ở tốc độ nhanh tương phản với những nốt nhạc phản đề đầy sắc lẹm đã làm tăng tính kịch tính của toàn bộ tác phẩm và duy trì sự bi tráng cho đến hết tác phẩm.

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)

Comments are closed.