Beethoven: Piano Sonata V: The Hunt | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Beethoven Piano Sonatas Cycle: Recital V “THE HUNT” (23.03.2024)
05/03/2024
Forest Harmony No. 2: Gieo (21.04.2024)
28/03/2024

Beethoven: Piano Sonata V: The Hunt | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Pianist: Nguyễn Đức Anh

Cuộc khủng hoảng điếc có ảnh hưởng mạnh đến khả năng đối diện với thế giới xung quanh của Beethoven, nhưng đồng thời, ông cũng đã tìm ra cách để bảo vệ thế giới sáng tạo bên trong khỏi những xâm phạm từ thế giới bên ngoài.

Có lẽ bệnh điếc đã cho Beethoven cách để chuyển hóa những nỗi đau mất mát, thiếu thốn tình yêu thương, để ông không còn biểu hiện nó bắng sự giận lẫy với người khác nữa mà biểu hiện bằng âm nhạc trong một thế giới cô đơn riêng mình. 

 


 

Sonata cho piano số 22 giọng Fa trưởng, Op. 54 (1804)
Piano Sonata No. 22 in F major, Op.54 (1804)

I - In tempo d'un menuetto (F Major)
II - Allegretto — Più allegro (F Major)

Bản sonata cho piano số 22 giọng Fa trưởng, Op. 54  được Ludwig van Beethoven sáng tác vào năm 1804, thời gian mà ông đang hoàn thành vở opera “Leonore” (vở opera duy nhất của ông). Bản sonata nhỏ nhắn chỉ gồm hai chương này có một vị trí khá đặc biệt khi nó đứng giữa hai bản sonata vĩ đại của Beethoven là “Waldstein” và “Appassionata”; Vì lý do đó, sonata số 22 thường được xem là người em nhỏ của “Waldstein”. Cũng giống như các cặp tác phẩm thời kỳ giữa khác, một tác phẩm dài, mạnh mẽ được tiếp nối bằng một tác phẩm ngắn, trầm lặng. Đây là cách Beethoven tạo ra hình ảnh tương phản một cách có chủ ý, gợi ra sự cân bằng giữa các tính chất đối lập.

Cấu trúc của sonata số 22 cũng mang nhiều yếu tố lạ lùng. Chương 1 được viết theo bút pháp “minuet” ở nhịp ¾, với cấu trúc ABABA. Trong đó, đoạn A được hình thành bởi một mô típ 3 nốt đơn giản, lặp lại với cường độ nhẹ nhàng và không tạo thành một sự căng thẳng hoặc tiến triển nào, khi tất cả các câu nhạc đều quay trở về chủ âm, đây là một điều rất lạ với thể loại sonata. Tiếp sau đó là đoạn B với cường độ mạnh và các quãng tám ở hai tay ngay, với độ dài gần gấp đôi đoạn A, tạo cảm giác hung hăng, lấn lướt và áp đảo hoàn toàn. Nhưng khi âm nhạc tiếp tục diễn tiến, trong khi âm nhạc của đoạn A được lặp lại và biến đổi, thì đoạn B lại ngắn dần và rồi biến mất hoàn toàn. Sự đối lập giữa hai yếu tố và diễn tiến của âm nhạc khơi gợi cho người nghe cảm nhận về một câu chuyện âm nhạc nào đó, để ngỏ cho trí tưởng tượng của chúng ta.

Chương 2 thậm chí còn lạ lùng hơn. Chương này có hình dạng gần giống với cấu trúc sonata khi có đầy đủ ba phần: trình bày, phát triển và tái hiện. Toàn bộ chương nhạc được viết chỉ với một dạng kết cấu (texture) 2 bè, với một bè nốt móc kép chạy liên tục suốt cả chương, đúng với tính chất “perpetuum mobile” (chuyển động không ngừng) được Beethoven đánh dấu trong bản nhạc. Phần trình bày của chương này chỉ có một chủ đề duy nhất, còn phần tái hiện thì lại tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi âm nhạc tiếp tục di chuyển đến những giọng mới. Với sự chuyển động không ngừng, các câu nhạc không thể được phân chia bởi những sự ngắt, nghỉ như thông thường, kết hợp với những lần chuyển hòa âm liên tục, tạo thành một hiệu ứng hoàn toàn mới mẻ với âm nhạc của thế kỷ 18. Cách làm này chỉ thường thấy ở các nhạc sĩ hiện đại ở thế kỷ 20 như Bela Batok hoặc Ligety.

 

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)

 


 

Sonata cho piano số 18 giọng Mi giáng trưởng, Op. 31, No.3 (1802)
Piano Sonata No. 18 in E-flat major, Op.31, No. 3 (1802)

I - Allegro (E-flat major)
II - Scherzo. Allegretto vivace (A-flat major)
III - Menuetto. Moderato e grazioso (E-flat major)
IV - Presto con fuoco (E-flat major)

Bản sonata cho piano số 18 giọng Mi giáng trưởng, Op. 31, số 3 là bản cuối cùng trong bộ ba sonata thuộc Op. 31 xuất bản năm 1802. Tác phẩm còn được biết đến với tiêu đề “The Hunt” (Chuyến đi săn). Một tác phẩm khác cũng rất nổi bật trong bộ ba này chính là “Tempest” sonata. “The Hunt” sonata là tác phẩm duy nhất gồm 4 chương và cũng là tác phẩm mang màu sắc nhẹ nhàng và tươi sáng nhất trong Op. 31, đến mức nó còn được xem như một sự giải thoát nhẹ nhàng cho sự căng thẳng của “Tempest” sonata.

Chương 1 có thể gây ấn tượng ngay lập tức với người nghe, khi bất ngờ bắt đầu ở hợp âm bậc hai thay vì là hợp âm chủ. Điều này giống như đặt ra một câu hỏi ở ngay đầu tác phẩm, để rồi sau khi di chuyển đi lên theo các chuyển động nửa cung nhằm làm tăng tính căng thẳng cho câu hỏi ấy, hợp âm chủ lúc này mới được xuất hiện một cách ổn định ở cuối câu như một lời giải đáp. Cách trì hoãn hợp âm chủ như vậy đã trở thành đặc điểm nổi bật của toàn bộ chương này.

Một điểm đặc biệt nữa là tác phẩm này không bao gồm một chương chậm nào. Chương 2 Scherzo hết sức tươi sáng và vui nhộn với bè tay trái gợi ra âm hưởng gần như kèn bassoon kèm theo nốt nhấn đảo phách đặc trưng ở tay phải. Chủ đề thứ hai của chương này lại nổi bật với kết cấu hai tầng, với những nốt móc ba mạnh bạo ở tay trái đối nghịch với các nốt móc kép ở tay phải. Chương 3 nhẹ nhàng và duyên dáng với bút pháp “Minuet”. Điều đáng chú ý là đây là lần cuối cùng Beethoven sử dụng chương “Minuet” trong các tác phẩm sonata cho piano của ông. Chương cuối cùng được ông ghi hướng dẫn “Presto con fuoco” (rất nhanh cùng với lửa) đã cho thấy tính chất của âm nhạc: năng lượng, mạnh mẽ, dứt khoát và tràn đầy niềm vui.

 

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)

 


 

Sonata cho piano số 5 giọng Đô thứ, Op. 10, số. 1 (1796 - 1798)
Piano Sonata No. 5 in C minor, Op. 10, No. 1 (1796 - 1798)

I - Allegro molto e con brio (C minor)
II - Adagio molto (A-flat major)
III - Finale: Prestissimo (C minor)

Bản sonata cho piano số 5 giọng Đô thứ, Op. 10, số 1 thuộc bộ ba sonata xuất bản năm 1798 dành tặng cho nữ bá tước Anna Margarete von Browne, nhà bảo trợ của ông. Giọng của tác phẩm này, Đô thứ, là một giọng gắn liền với tính chất kịch tính, tối tăm và mạnh mẽ trong âm nhạc của Beethoven. Rất nhiều tác phẩm quan trọng của Beethoven được viết ở giọng này, như Giao hưởng số 5 hay "Pathétique" sontata; Nhiều đến mức mà cụm từ “C minor mood” đã trở thành một thuật ngữ không chính thức trong âm nhạc của Beethoven.

Sonata số 5 là một trong những tác phẩm dễ tiếp cận nhất trong số các bản sonata dành cho piano của Beethoven vì không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, trong khi tính chất kịch tính của nó lại rất gần với "Pathétique" sontata. Chương một ngay lập tức tạo ra một hình ảnh tương phản giữa hai yếu tố âm nhạc mang tính cách đối lập, được tạo ra bởi nét nhạc căng thẳng, quả quyết, với các bước nhảy lớn đi lên, và nét nhạc trầm buồn, nhẹ nhàng với bước liền bậc đi xuống. Sự kết hợp giữa hai tính chất đối lập như vậy là một trong những đặc điểm thường thấy trong phong cách của Beethoven, có thể dễ dàng nhận ra trong các sonata khác như “Pathétique” hoặc “Tempest”.

Chương hai của tác phẩm có tính chất như một cuộc độc thoại chậm rãi, nhẹ nhàng. Sử dụng những nốt nhạc tô điểm cùng với giai điệu mang tính chất ca xướng, chương nhạc như đưa người nghe vào một thế giới mơ màng, bay bổng. Chương cuối cùng với tốc độ prestissimo đã đưa tính chất kịch tính của chương một trở lại. Tất cả các nét nhạc của chương này đều rất ngắn gọn, dứt khoát. Đặc biệt, đoạn coda của chương này lại dẫn đến giọng Rê giáng trưởng để rồi kết thúc bản sonata ở giọng Đô trưởng (giọng song song với giọng chính của tác phẩm). Kỹ thuật này còn được biết đến với tên gọi là “tierce picarde” rất thường gặp trong các tác phẩm của J.S. Bach. Tuy nhiên, thay vì đem lại tính chất ổn định và mới mẻ cho phần kết như Bach, cách vận dụng của Beethoven lại đem đến cảm giác kết thúc bất ngờ, mơ hồ.

 

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)

 


 

Sonata cho piano số 28 giọng La trưởng, Op. 101 (1816)
Piano Sonata No. 28 in A major, Op. 101 (1816)

I - Allegretto ma non troppo (A Major)
II - Vivace alla marcia (F Major)
III - Adagio, ma non troppo, con affetto (A minor)
IV - Allegro (A Major)

Bản sonata cho piano số 28 giọng La trưởng, Op. 101 được sáng tác năm 1816 và xuất bản năm 1817. Tác phẩm được dành tặng cho nữ bá tước Dorothea Ertmann, người đồng thời cũng là một nghệ sĩ đàn dương cầm. Tác phẩm được xem là bản sonata đầu tiên trong các sonata thời kỳ cuối của Beethoven và cũng được mệnh danh là một trong những sáng tác vĩ đại nhất và có chiều sâu triết lý nhất của ông ở mọi thể loại.

Giai điệu mở đầu trữ tình và nhẹ nhàng của chương đầu tiên đã ẩn giấu một chi tiết quan trọng: Beethoven bắt đầu bản nhạc không phải ở giọng gốc (La trưởng) mà là giọng át bậc 5 (Mi trưởng). Ông đã hoàn toàn trì hoãn giọng gốc trong phần lớn thời lượng của chương này. Mãi cho đến gần cuối chương, lần đầu tiên giọng La trưởng mới được trình bày nguyên vẹn, tạo nên cảm giác toàn bộ chương nhạc là hành trình chuyển tiếp liên tục không ngừng nghỉ. Các đặc điểm quan trọng khác của cấu trúc sonata cũng bị ông xóa nhòa trong chương này, chẳng hạn như sự tương phản giữa hai chủ đề, sự phân chia rõ ràng giữa phần trình bày và phần phát triển, thậm chí, ranh giới giữa phần phát triển và tái hiện cũng bị làm mờ. Cả chương nhạc mang một không khí trầm ngâm, trôi chảy từ đầu tới cuối, đúng với chỉ dẫn “với biểu cảm nội tâm sâu thẳm nhất” mà ông đã ghi ở đầu bài.

Chương hai được viết theo bút pháp của hành khúc, với tiết tấu nốt chấm dôi đặc trưng. Chương nhạc bắt đầu ở giọng Fa trưởng, rồi đi dần về Rê giáng trưởng. Những bước đi quãng ba trưởng này tạo cảm giác đi xa khỏi giọng gốc La trưởng của toàn bộ tác phẩm. Một điểm đặc biệt nữa trong chương này, ở một số chỗ trong bản nhạc, Beethoven yêu cầu phải giữ pedal sustain suốt câu nhạc, mặc dù bên trong đó, hợp âm thay đổi liên tục. Chương ba khôi phục lại trạng thái trầm ngâm của chương một, để rồi chương cuối cùng đem đến một năng lượng mạnh mẽ để kết lại bản nhạc. Chương cuối này nổi bật với tính chất âm nhạc phức điệu. Ngay từ phần trình bày chủ đề đầu tiên, ta đã thấy sự đối đáp giữa hai tay với nhau. Phần phát triển của chương hoàn toàn được viết như một fuge.

Có thể nói rằng, sonata số 28 là tác phẩm mang đầy đủ các đặc điểm phong cách thời kỳ cuối của Beethoven. Lắng nghe tác phẩm, ta có ấn tượng rằng nó mang tư duy âm nhạc sâu sắc và có tầm vóc lớn hơn nhiều so với phương tiện biểu hiện của nó.

 

Người tổng hợp: Nguyễn Tô Hoàn Phúc | Nguồn: Sách “Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời” (2005)

Comments are closed.