Bích Trà: Piano Recital | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Ai là cha đẻ của piano?
18/11/2023
PATHÉTIQUE | Giới thiệu tác phẩm
19/11/2023

Bích Trà: Piano Recital | Giới thiệu tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

Pianist: Nguyễn Bích Trà

 

WOLFGANG AMADEUS MOZART (1756-1791)

Piano Sonata No. 3 in B-flat major, K. 281 (1774)

 

Sinh ra tại Salzburg (Áo), Mozart đã bắt đầu sáng tác từ khi mới 5 tuổi và trong suốt 30 năm tiếp theo, ông đã cho ra đời hơn 600 tác phẩm giao hưởng, thính phòng, hợp xướng và độc tấu, mỗi tác phẩm đều trở thành kiệt tác trong kho tàng âm nhạc cổ điển. Tuy nhiên, nói đến đỉnh cao trong tài năng sáng tác của Mozart thì phải kể đến các vở opera của ông. Thiên phú trong việc tạo dựng những nhân vật sống động, những đối thoại hài hước, những giai điệu lãng mạn, hay sự hoà âm đầy màu sắc - tất cả tài năng của ông đều hội tụ trong thể loại này để mang đến những câu chuyện đầy sự quyến rũ, hài hước, dí dỏm và kịch tính.

Vào năm 1775, khi mới 18 tuổi, Mozart đến Munich để dàn dựng vở opera đầu tay của ông, La finta giardiniera. Trong chuyến đi này, ông đã sáng tác 5 bản sonata đầu tiên dành cho piano. Những tác phẩm này đòi hỏi kỹ thuật cao, tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ, cũng như sự hài hước và niềm vui. Trong 5 tác phẩm đó, bản sonata dành cho Piano số 3 giống như một vở opera nhỏ. Ngay từ 4 ô nhịp đầu tiên, motif chùm nốt liên ba trữ tình với cao độ tăng dần mở lối cho nhân vật bước ra sân khấu rồi tự vấn bằng một câu hỏi đầy lãng mạn, và được dàn nhạc đáp lời một cách bất ngờ bởi những hợp âm sôi động và tràn đầy năng lượng. Câu hỏi sau đó được lặp lại nhưng thân mật hơn trong giai điệu piano trầm hơn một quãng tám, trước khi cất lên một chủ đề rực rỡ dệt nên bởi những thang âm lên và xuống. Chủ đề thứ hai tiết lộ một nhân vật dễ thương và có lẽ có phần ngây thơ, thể hiện bằng nốt Đô cao và nảy. Motif tao nhã này tương tự với motif được sử dụng cho nhân vật Papageno trong vở opera Die Zauberflöte sau này của Mozart. Khi motif này lần thứ ba vang lên, giai điệu lại lần nữa cất cánh trong một chuỗi các nốt móc ba rực rỡ, trước khi kết thúc bằng một đoạn coda vui vẻ và hài hước.

Chương thứ hai là một aria lãng mạn, được đánh dấu cụ thể là Andante amoroso. Âm nhạc vang lên tựa như một dàn nhạc diễn tấu khúc mở đầu kéo dài, bắt đầu từ âm vực cao của dàn sáo đến âm trầm hơn của bộ dây, rồi lan rộng đến toàn bộ dàn nhạc trước khi một ô nhịp trống lặng im nhường lối, mời nàng soprano bước vào và bắt đầu bài tình ca khẩn nài, tha thiết của nàng. Khúc aria ngập tràn những biểu hiện cảm xúc tương phản từ khát khao mãnh liệt đến do dự nhút nhát, như thể nhân vật đang suy tư về những nỗi khổ đau trong trái tim và niềm ước ao của chính mình.

Chương cuối của tác phẩm là một giai điệu gavotte tươi vui, vô tư và hóm hỉnh, mang tới một niềm vui nhỏ nhoi và có phần ngô nghê. Chủ đề khiêu vũ thanh lịch tương phản trong thoáng chốc với giai điệu Sol thứ nghiêm trang tăm tối đầy những nghịch âm cùng khoảng hẫng rộng, và đoạn nhạc giọng Mi trưởng trữ tình lãng mạn gợi nhớ đến giai điệu amoroso của chương thứ hai.  Mozart đã tạo ra những khoảnh khắc hài hước cho cả chương cuối bằng cách sử dụng hai nốt hoa mỹ chơi rất nhẹ được đặt bất ngờ ở cuối mỗi chủ đề chính, như thể nhân vật đang tự chế nhạo bản thân trong một tiếng vang đùa.

Nguồn: tong-wang.com
Người dịch: Võ Châu Duy Tâm

 


 

MAX BORENSTEIN (1969-)
Selection of piano works

 

Nimrod Borenstein (1969)

Những năm gần đây một số lượng lớn các tác phẩm của Nimrod Borenstein đã được đặt hàng, ghi âm và ra mắt tại những sân khấu và lễ hội uy tín nhất trên toàn cầu, từ Royal Festival Hall và Royal Opera House ở London đến Salle Gaveau ở Paris, Carnegie Hall ở New York và Hong Kong City Hall. Âm nhạc của ông được biểu diễn thường xuyên khắp châu  u, Canada, Úc, Viễn Đông, Israel, Nam Mỹ, Nga và Hoa Kỳ. Gần đây, ông được mời viết các tác phẩm biểu diễn bắt buộc cho Cuộc thi Piano Quốc tế Hong Kong (2019) và Cuộc thi Cello Quốc tế Jeunesses (2020).

Một trong những người ủng hộ nổi tiếng của Borenstein mà ta không thể không nói đến đó là nhạc trưởng Vladimir Ashkenazy. Vladimir Ashkenazy đã chỉ huy một số sáng tác của Borenstein, không chỉ vậy còn thu âm một album các tác phẩm dàn nhạc của ông cho hãng Chandos (được trao danh hiệu ‘Choice’ của Tạp chí  Âm nhạc BBC). Cũng có rất nhiều nghệ sĩ hàng đầu khác từng biểu diễn tác phẩm của Borenstein, có thể kể đến như: Roberto Prosseda, Pascal Rogé, Dmitry Sitkovetsky, Dàn nhạc giao hưởng BBC, Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia, Dàn nhạc giao hưởng Oxford và Israel Camerata. Tứ tấu đàn dây gần đây của ông, Cieli d’Italia, được sáng tác theo yêu cầu của Dàn tứ tấu Cremona, và họ đã trình diễn tác phẩm này trong album mới nhất của mình.

Nimrod Borenstein từng chiến thắng cuộc thi âm nhạc được tổ chức bởi Quỹ Cziffra (1984) và đang cộng tác với Học viện  m nhạc Hoàng gia London. Danh mục tác phẩm đồ sộ của ông tiếp tục phát triển và hiện có hơn 90 tác phẩm, bao gồm các tác phẩm giao hưởng, thính phòng cũng như các tác phẩm thanh nhạc và độc tấu. Ông cũng đã sáng tác nhạc cho vở ballet Suspended nổi tiếng với hơn 250 buổi biểu diễn trên toàn thế giới.

Nguồn: Nimrod Borenstein Composer, Naxos
Người dịch: Võ Châu Duy Tâm

 


 

FRÉDÉRIC CHOPIN (1810-1849)

Piano Sonata No. 3 in B minor, Op. 58 (1844)

 

Bản sonata piano số 3 của Frédéric Chopin, tác phẩm cuối cùng trong ba bản sonata piano mà ông sáng tác, được coi là tác phẩm có kỹ thuật biểu diễn phức tạp nhất. Được sáng tác vào năm 1844, trong những năm tháng trưởng thành, bản sonata này đã khám phá những cấu trúc âm nhạc phổ biến của các nhà soạn nhạc Đức đương thời với Chopin. Bản sonata bốn chương nặng ký này thể hiện rõ nét phong cách Lãng mạn của Chopin, khi mỗi chương được viết theo một phong cách khác nhau, mở ra một câu chuyện hoàn toàn mới.

Nhạc phẩm

Chương I – Allegro maestoso

Được viết theo phong cách của một bản ballade, chương mở đầu quan trọng của bản sonate bắt đầu với một chủ đề chủ yếu là hợp âm. Việc sử dụng táo bạo dải âm trung đã đưa đôi bàn tay người nghệ sĩ xích lại gần nhau trước khi âm nhạc bắt đầu tuôn chảy và lan tỏa. Được đánh dấu là forte (chơi mạnh), chương mở đầu là đỉnh cao của toàn bộ bản sonata, bởi lẽ các chủ đề được nghe tiếp sau đều có sự liên quan đến chủ đề này theo một phương diện nào đó, dù là cho dù đó là nhịp điệu, âm sắc hay cường độ. Chủ đề tiếp theo được cho là sẽ duy trì và tiếp nối chủ đề mạnh mẽ này, tuy nhiên Chopin lại nhanh chóng tạo ra một bầu không khí yên tĩnh làm bàn đạp cho một chủ đề trữ tình mới xuất hiện. Âm thanh êm ái sớm bị gián đoạn bởi các đoạn nhịp mạnh và vang hơn, thể hiện một cuộc vật lộn âm nhạc giữa hai chủ đề.

Những hợp âm rải xếp tầng và những chuyển động nhanh chóng đan xen với nhau, tạo nên những giai điệu trữ tình mới mẻ, khiến chương nhạc này không ngừng phát triển. Chopin dẫn dắt người nghe qua một đoạn nhạc như một bản nocturne trước khi một sự bùng nổ âm thanh mạnh mẽ tiếp quản và một đoạn nhạc mới bắt đầu. Sau nhiều khúc quanh và ngã rẽ, âm nhạc kết thúc với sự lặp lại của chủ đề trữ tình đầu tiên trước khi những mảnh ghép của chủ đề hợp âm mở đầu kết thúc chương nhạc với một phong cách mạnh mẽ.

Chương II - Scherzo

Bản Scherzo nhanh kinh hoàng được chơi ở giọng Mi giáng trưởng là một chương nhạc nhẹ nhàng và bồng bềnh, không có trung tâm giai điệu rõ ràng. Đoạn giữa trữ tình mang lại một khoảng nghỉ ngắn ngủi sau phần mở đầu đầy kỹ thuật, và được ví như những chủ đề từ vở kịch ‘Giấc mộng đêm hè’ của Shakespeare. Tuy nhiên, chủ đề này không kéo dài quá lâu trước khi chủ đề mở đầu nhanh chóng quay lại tiếp quản và đưa chương nhạc ngắn này đến hồi kết.

Chương 3 - Largo

Mở đầu bằng một đoạn Largo chậm rãi và trầm ngâm, chương  Scherzo và Trio này đã dẫn dắt người nghe vào một không gian âm nhạc đầy cảm xúc. Bản sắc và phong cách của tác phẩm được khám phá thông qua lăng kính của một bản nocturne. Xuyên suốt mỗi phần của chương nhạc này, người nghe có thể cảm nhận được một nỗi hoài niệm sâu lắng được đan cài  thêu dệt vào âm nhạc thông qua nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như việc sử dụng dải âm thấp của đàn piano để tạo ra các hòa âm, hay như việc duy trì nhịp độ khá chậm rãi. Cũng như hầu hết các phần khác của chương nhạc này, tác phẩm kết thúc trong lặng lẽ khi âm nhạc dần trôi bềnh bồng vào thinh không.

Chương IV - Finale – Presto non tanto

Chương cuối hào hùng mở ra với một rondo sôi động, liên kết chặt chẽ với chương mở đầu và thực chất được sáng tác như một ballade. Nhịp điệu 6/8 vui tươi như tiếng trống cổ động tăng thêm tinh thần cho âm nhạc khi chủ đề mạnh mẽ đầu tiên mở ra bối cảnh cho chương kết thúc. Đoạn "Presto" cuồng nhiệt, gợi nhắc đến chương Scherzo thứ hai, đã chiếm trọn chương kết này. Nổi trôi giữa những chủ đề mới và những đoạn nhạc sôi động, khán thính giả dường như có thể dễ dàng bị cuốn theo dòng chảy của âm nhạc. Chopin xây dựng đà phát triển và sức mạnh xuyên suốt chương nhạc, với mỗi bước ngoặt và biến chuyển được sắp xếp hoàn hảo để gây bất ngờ cho người nghe. Những đoạn chạy nốt đầy kích thích và những tiến trình hợp âm táo bạo giữ cho sự hồi hộp của chương nhạc luôn ở trạng thái cao trào khi các chủ đề được tung hứng qua lại giữa các phím đàn. Như dự kiến, tất cả sức mạnh đã được tích tụ trong suốt chương nhạc cuối cùng cũng bùng nổ thành một đoạn chạy nốt trải rộng khắp chuỗi phím piano, trước khi những hợp âm Si trưởng vang lên đầy mạnh mẽ và kiêu hãnh, hoàn thành chương nhạc một cách rực rỡ lấp lánh. Đây là bản sonata duy nhất trong ba bản kết thúc ở âm giai trưởng.

Nguồn: Alex Burns
Người dịch: Bùi Thảo Hương

Comments are closed.