Winter Fantasy | Giới thiệu tác phẩm - Saigon Classical Music Group | Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Đặng Tường Vy
21/12/2022
Huỳnh Thị Mỹ Dung
22/12/2022

Winter Fantasy | Giới thiệu tác phẩm

WINTER FANTASY

FANTASY MÙA ĐÔNG

Một mùa đông “nhiệt đới” đến gần, và một lần nữa chúng ta dự cuộc sum vầy bên nhau qua, và cùng với âm nhạc qua một nhạc mục biểu diễn có thể gọi là đa sắc, phủ rộng các cung bậc cảm xúc nhất mà Saigon Classical Music Group từng mang lại trong dịp Giáng Sinh: từ Bach/Gounod tới Andrew L. Weber, G. Rossini tới Schumann, từ Wolfgang A. Mozart tới C. Franck, từ F. Schubert tới M. Ravel. 

1. FRANZ SCHUBERT (1797-1828)

Winterreise, Op. 89, D. 911 (1827)

No. 1. Gute Nacht 

No. 5. Der Lindenbaum

Tenor: Bùi Thái Hòa |  Piano accompanist: Đặng Trí Dũng

Một tấm bưu thiếp tại Vienna vào khoảng năm 1910 mô tả Franz Schubert đang đi trong tuyết để minh họa cho tác phẩm Winterreise. Hình ảnh của Otto Nowak / CCI / Bridgeman Images

No. 1. Gute Nacht – Chúc người yên giấc

“Hãy tới Schober ngay hôm nay, và tôi sẽ chơi cho anh nghe một liên khúc hết sức đáng sợ. Chúng khiến tôi ấn tượng mạnh mẽ hơn bất cứ khúc nhạc nào khác.” Đó chính là lời của Franz Schubert khi ông mời những người bạn thân của mình tới tham dự buổi công diễn đầu tiên của Winterreise (Hành Trình Mùa Đông) – tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Liên khúc này là lời tự sự của một người lữ hành trẻ tuổi khi anh rời khỏi căn nhà của người tình giờ đây đã không còn yêu anh nữa. Thế nhưng, thay vì thuật lại những sự kiện dẫn tới một cái chết không thể tránh khỏi, khúc nhạc chậm rãi đưa người nghe bước theo hành trình của người lữ hành từ làng quê tới nơi ngoại thành xa xôi. Mỗi bước chân của anh là một bước gần hơn tới vực thẳm tinh thần. Càng đi xa khỏi làng, chàng trai trẻ lang thang càng dần quên đi thực tại.

Chúc Người Yên Giấc

Tới như người lạ,
đi cũng như người lạ.
Tháng Năm bày trước mắt ta
biết bao những đóa hoa.

Người con gái đã trao lời yêu thương,
và mẹ nàng đã gật đầu ưng thuận –
nhưng giờ đây đất trời héo hon,
con đường trước mặt đã chôn mình dưới tuyết.

Ta phải ra đi ngay lập tức,
và phải tự mò mẫm trong bóng đêm này.
Bạn đường chỉ có bóng ta dưới ánh trăng,
và ta lần theo dấu chân hươu trên đồng trắng.

Đã hết rồi, chẳng còn nên níu kéo
để rồi chịu cảnh xua đuổi, bỏ rơi.
Lũ chó hoang đã cất tiếng
trước cổng ngôi nhà nàng.

Tình đến rồi tình lại đi
dưới bàn tay vô hình của Chúa
Người yêu ơi, chúc nàng yên giấc!
Trong giấc mơ nàng sẽ chẳng có bóng hình ta,
vì ta không muốn làm nàng mất ngủ.
Bước chân ta nàng sẽ chẳng nghe thấy,
và cánh cửa đóng lại thật nhẹ thôi.

Khi ra đi ta sẽ viết lên cửa nhà nàng
một dòng chữ “Chúc nàng yên giấc”
để nàng thấy, dù thế nào đi nữa,
bóng hình nàng vẫn luôn ở trong ta.

Hành trình bi thảm của chàng trai bắt đầu với nhịp chậm, thỉnh thoảng điểm vào những nốt lạc nhịp như mô phỏng nội tâm đầy biến động của chàng. Giai điệu cứ luân chuyển giữa tình cảnh bi thảm (với những điệu thức giọng thứ) và những suy nghĩ lạc quan (qua những giọng trưởng). Ta có thể thấy chủ đề chính xuyên suốt liên khúc này trong câu đầu tiên của bài thơ: “Đến như người lạ, đi cũng như người lạ.” Đó chính là cảm giác bơ vơ trống rỗng, cách biệt khỏi thế giới xung quanh.

Nguồn: Daveed Buzaglo tenor

Dịch bởi: Phạm Hoàng Hà

Minh họa cho bài thơ “Ở giếng nước trước cổng” của Wilhelm Müller, được Franz Schubert phổ nhạc thành ca khúc “Cây đoan hà”. Minh họa của Hans Baluschek (1870–1935)

No. 5. Der Lindenbaum – Cây đoan hà

Winterreise (Hành trình mùa đông) được sáng tác trong khoảng thời gian hai năm trước khi Schubert qua đời, và ra đời vào năm 1827. Tác phẩm thường được ca ngợi là hay nhất trong tuyển tập tất cả các bài hát với lý do chính đáng. Với tác phẩm này, Schubert đã đẩy ranh giới của ngôn ngữ của giai điệu và họa âm thịnh hành vào thời của ông lên đến mức mà ngay từ những buổi biểu diễn đầu tiên đã khiến khán thính giả kinh ngạc thảng thốt.

Có ít nhất một khán giả dự buổi công diễn đầu tiên công nhận rằng Der Lindenbaum là bài hát dễ hiểu nhất trong tuyển tập – vừa là bài hát mang âm hưởng dân gian và đậm chất trữ tình chất, đồng thời cũng là tác phẩm không theo chuẩn mực nhất trong toàn bộ tuyển tập. Thiếu vắng sự hiện diện của thiên phú bậc nhất của Schubert trong việc dễ dàng khơi gợi chất trữ tình trong tuyển tập (dù rằng có một vài tác phẩm ngoại lệ) là một điều đáng chú ý. Điều này minh chứng cho khả năng sẵn sàng thích ứng trong mọi phong cách sáng tác của ông, tương xứng như thể sáng tạo ra một tuyển tập thơ phi thường với những điệu dáng âm nhạc không kém phần phá vỡ truyền thống. Dòng giai điệu hầu như chỉ tập trung vào sự diễn ngôn, bằng cách sử dụng đơn âm (tương tự trong Die Krähe) như một phép ẩn dụ về sự loạn trí. Schubert đặt một âm tiết duy nhất cho mỗi nốt gần như trong suốt 24 bài hát.

Không thể phân tích toàn bộ Winterreise với vài dòng sách ngắn ngủi, ở đây chúng ta sẽ tập trung vào bài hát gây kinh ngạc và hoang mang nhất trong tất cả các bài hát của Schubert, Der Leiermann. Như Richard Capell đã nói, “Dù cho được đoán cả ngàn lần, cũng không ai tưởng nổi bài hát cuối cùng sẽ như thế này.” Cũng như rất nhiều bài hát trong số các Lieder hay nhất của Schubert, Der Leiermann sử dụng cách diễn đạt âm nhạc tập trung, đơn giản và giàu sức truyền tải. Tác động sâu sắc của nó bắt nguồn trực tiếp từ sự kiềm giữ và tiết chế ý nghĩa, mỗi một nốt nhạc hay dấu lặng đều có mục đích kịch nghệ trực tiếp, rõ ràng.

Chủ nghĩa đa cảm là một hiện tượng lạ ở đây. Mặc dù có nhiều cách giải thích về bi kịch trong Winterreise, nhưng thứ mà Der Leiermann gửi đến chắc chắn là một thông điệp về sự tha hóa và loạn trí. Kết thúc bài hát ta nhận ra rằng, không giống như chàng thanh niên bất hạnh của Die schöne Müllerin, người tìm thấy niềm an ủi trong cái chết, nhân vật chính của Winterreise bị kết án là phải sống sót. Chàng ta tìm thấy niềm an ủi nơi thánh đường sâu sắc của sự điên rồ.

Nỗi bất an không thể thoát khỏi trong 23 bài hát khác chỉ có thể được giải tỏa bằng cách đối xử một cách tượng trưng như bạn bè với Der Leiermann (chàng trai chơi đàn quay). Họ là bạn cùng phòng trong nhà thương điên, đi lang lang một cách tự do không mục đích. Người chơi đàn quay là một bóng ma – một anh hùng quái gở đối với nhân vật chính của chúng ta, trỗi dậy mạnh mẽ khi chàng ta vượt thoát khỏi nhu cầu, đam mê trần tục và cả sự tỉnh táo. Chàng đi chân trần trên băng, bỏ qua sự khó chịu về cả thể chất lẫn tinh thần. Đĩa của chàng ta trống rỗng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Anh hùng của chúng ta cũng lộn trái áo khoác và cùng tham gia trong trạng thái xuất thần ma quái và kinh khủng, háo hức trở thành bản sao của chàng ta.

Sự mất phương hướng tâm lý tràn ngập Winterreise có những điểm tương đồng kỳ lạ với một dấu mốc khác của văn học và âm nhạc Đức – Wozzeck. Vở opera cùng tên năm 1922 của Berg, được coi là một điển hình của Chủ nghĩa âm nhạc đầu thế kỷ 20, dựa trên một vở kịch của Büchner được công diễn lần đầu tiên ở Vienna vào năm 1914, nhưng thực tế được viết vào năm 1836, chỉ chục năm sau Winterreise của Müller. Woyzeck của Büchner để lại một loạt các mảnh ghép gần như không thể giải mã được sau khi ông qua đời ở tuổi 23. Nó được viết theo thể loại sân khấu sử thi, vở opera tập trung vào từng cảnh hơn là mở ra một câu chuyện liên tục. Cách tiếp cận dựng cảnh này được xem là có chủ đích từ phía Büchner chứ không phải là kết quả của sự thiếu sót hoặc cẩu thả.

Thứ tự của các cảnh có thể thay đổi mà không gây ra tác động bất lợi nào, vì các sự kiện và trải nghiệm diễn ra ngẫu nhiên, không bị ràng buộc bởi các cân nhắc về nguyên nhân và kết quả. Cách tiếp cận kịch nghệ như vậy, rất thường xuất hiện trong các vở opera của Berg, rõ ràng có sự tương đồng về cấu trúc với Winterreise. Người ta có thể tưởng tượng ra nhiều cách sắp xếp lại các bài thơ và bài hát tương đối hiệu quả. Mấp mé bờ vực của sự tỉnh táo, vỡ mộng với thực tế, ảo giác méo mó, không mục đích, xa lánh xã hội và mối bận tâm thường xuyên với hoạt động sâu trong tâm hồn, là những chủ đề chung trong cả tuyển tập bài hát và vở opera, bất chấp gần trăm năm cách biệt giữa các sáng tác. Büchner rất có thể đã biết tuyển tập của Müller và bị ảnh hưởng bởi nó. Tôi kết thúc những ghi chú này, giống như những bài thơ, bằng một câu hỏi: Có quá đáng không khi cho rằng tác phẩm của Müller đã bao hàm tính thẩm mỹ của kịch nghệ Biểu hiện, đi trước thời đại hàng thập kỷ?

Nguồn: outhere-music.com

Cây đoan hà
 
Bên đài phun nước gần cổng,
Đứng sừng sững một cây đoan hà
Trong bóng râm cây tỏa
Tôi mơ biết bao giấc mộng ngọt ngào.
 
Trên vỏ cây đoan hà, tôi khắc
Biết bao lời yêu thương;
Tôi cứ luôn bị bóng cây cuốn lấy,
Dù trong niềm vui hay nỗi buồn.
 
Hôm nay cũng vậy, tôi bước qua
Trong cái chết của màn đêm.
Và ngay cả trong bóng tối
Tôi cũng phải nhắm chặt đôi mắt này.
 
Và cành cây xào xạc
Như dường gọi tôi:
“Đến đây với tôi nào, anh bạn,
Nơi đây anh sẽ thấy chốn yên bình!”
 
Cơn gió lạnh lướt qua
Thổi ngay khuôn mặt tôi,
Chiếc mũ bay khỏi đầu,
Tôi đi không ngoảnh lại.
 
Giờ đây, đã vài tiếng đồng hồ 
Từ khi tôi rời xa nơi ấy,
Và tôi vẫn nghe thấy tiếng xào xạc:
“Ở đó anh sẽ tìm thấy chốn bình yên!”
Nguồn: outhere-music.com
 
Dịch bởi: Phượng Kiều

2. GIOACHINO ROSSINI (1792-1868)

La danza (Dance) - Điệu nhảy (1835)

Soprano: Huỳnh Thị Mỹ Dung  |  Piano accompanist: Lê Phạm Mỹ Dung 

Gioachino Rossini năm 1865

Sau khi thành công rực rỡ với vở opera Guglielmo Tell, nhạc sĩ Ý Rossini đột ngột ngừng sự nghiệp opera đang trên đỉnh cao của mình. Trong 40 năm cuộc đời tiếp theo, Rossini chỉ sáng tác một ít tác phẩm tôn giáo, cùng một số tác phẩm quy mô nhỏ cho khí nhạc và giọng hát. Những tác phẩm này không thể so sánh với tầm vóc của các opera nhưng cũng có vị trí nhỏ trong danh mục biểu diễn, trong đó Vũ khúc (La Danza) là một ca khúc liến thoắng sôi nổi, tươi tắn theo nhịp vũ điệu dân gian tarantella vùng Napoli, với ca từ chan chứa tình yêu đời của những con người đang nhảy múa giữa thiên nhiên xinh đẹp.

Điệu nhảy tarantella (1884). Tranh của Alexandre Thomas Francia

Tarantella là một trong những nét đặc sắc của văn hóa Ý và đã được sử dụng trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ Beethoven, Schubert, Tchaikovsky, v.v. và bản thân La Danza của Rossini cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho sáng tác của Chopin, Liszt, Respighi và “Trăng giữa biển khơi” – một ca khúc rất phổ biến trong các đám cưới và lễ hội của người Mỹ gốc Ý mà ví dụ nổi tiếng nhất là cảnh đám cưới trong phim Bố già

Tổng hợp: Hoàng Vũ

3. WOLFGANG AMADEUS MOZART (1756-1891)

Oiseaux, si tous les ans, K.307 - Những chú chim, nếu mỗi năm… (1778)

Soprano: Huỳnh Thị Mỹ Dung  |  Piano accompanist: Lê Phạm Mỹ Dung 

Gia đình Mozart. Tranh: Photos.com/Getty Images Plus

Mozart yêu thích những bài ca và giọng nói của con người, thứ mà ông đã dùng để biểu đạt âm nhạc chủ yếu trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Các tác phẩm thanh nhạc – bao gồm mười tám vở opera và Singspiel (một loại ca nhạc kịch nói bằng tiếng Đức), năm mươi aria với phần đệm của dàn nhạc cũng như các ca khúc nghệ thuật cho nhiều giọng, các tác phẩm canon, mười tám Thánh lễ bao gồm các thể loại hợp xướng với dàn nhạc trong nhà thờ, các oratorio và cantata, và các tác phẩm mang màu sắc thiêng liêng khác với giọng hát – chiếm lĩnh vị trí trung tâm trong sự nghiệp sáng tác của Mozart. Lựa chọn này không hề đơn giản bởi vì sự thật là con đường gặt hái danh vọng dễ dàng và nhanh chóng nhất đối với một nhà soạn nhạc lúc bấy giờ là viết các vở opera. Mozart là người đầy tham vọng và trong suốt cuộc đời của mình, ông muốn tài năng và các tác phẩm nghệ thuật của mình được công nhận một cách xứng đáng. Động lực này kết hợp với nhu cầu sáng tạo bức thiết đã thúc đẩy mọi thiên tài nghệ thuật cho ra đời tác phẩm không ngừng nghỉ và liên tục. Trong cuộc đời ngắn ngủi hơn ba mươi năm của ông, chính điều này đã dẫn đến sự ra đời của một trong những thành quả nghệ thuật đáng kinh ngạc nhất và hoàn thiện nhất trong lịch sử nhân loại.

Mozart đã viết Oiseaux, si tous les ans, KV 307 (Tạm dịch: Những chú chim, nếu mỗi năm…) trong thời gian ông ở Mannheim năm 1777 – 1778. Đó là những bài hát theo thể loại through-composed (một loại tác phẩm liên tục, không chia đoạn, không lặp lại) đầu tiên của ông (tức là không ở dạng strophic – thể loại mà giai điệu bài hát thường xuyên được lặp lại) và được viết theo phong cách arietta thường thấy trong opera comique của Pháp. Tác phẩm kể về loài chim di trú bay trốn khỏi mùa đông, không chỉ vì cây cối trụi lá và tiết trời giá lạnh, mà vì bản chất của chúng là chỉ có thể tìm thấy tình yêu trong mùa hoa. Khi mùa này kết thúc, dù đang ở đâu, chúng cũng tìm kiếm những vùng đất đầy nắng ở nơi khác để có thể thỏa sức yêu đương quanh năm suốt tháng. Giai điệu được định hướng rõ nét về diễn ngôn và ngữ nghĩa, đồng thời các phần hòa âm, nhịp điệu, hình thức được biên soạn một cách sâu sắc và duyên dáng.

Nguồn: naxos.com
Dịch bởi: Hoàng Nghĩa

 

4. ANDREW LLOYD WEBBER (1948-)

Pie Jesu - Khúc cầu hồn, Chương VII. Lạy Chúa Giêsu (1985)

Soprano: Phạm Lâm Mỹ Hồng  |  Piano accompanist: Đặng Trí Dũng

Andrew Lloyd Webber tại buổi biểu diễn vở “The Phantom of the Opera” 2021. Ảnh: Shutterstock

Không có gì quá khi gọi Andrew Lloyd Webber là ông hoàng của thể loại nhạc kịch với những tác phẩm vẫn vô cùng được yêu thích đến nay như Bóng ma nhà hát (Phantom of the opera), Mèo (Cats), Evita. Trong thể loại cổ điển, tuy Lloyd Webber chỉ có một ít sáng tác nhưng ông vẫn để lại một dấu ấn với Lễ cầu hồn (Requiem) – tác phẩm đem lại cho ông giải Grammy cho sáng tác cổ điển đương đại xuất sắc nhất năm 1985. Chương Pie Jesu của Lễ cầu hồn này đã trở thành một hit độc lập nhờ sự pha trộn tài tình giữa chất nhạc nhẹ của nhạc kịch, tính trang nghiêm của nhạc cổ điển và sự an ủi của Thiên Chúa giáo.

Tổng hợp: Hoàng Vũ

5. JOHANN SEBASTIAN BACH (1685-1750)/ CHARLES GOUNOD (1818-1893)

5. Ave Maria - Cầu xin Maria (1859)

Soprano: Phạm Lâm Mỹ Hồng  |  Piano accompanist: Đặng Trí Dũng

Nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach và Charles Gounod

Nhạc sĩ Pháp Charles Gounod là tác giả giáo hoàng ca của Vatican, cũng như là người chuyển thể opera thành công nhất cho hai tác phẩm văn chương kinh điển “Faust” và “Roméo và Juliette”. Thế nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất và đi vào đời sống nhất của Gounod là Ave Maria, một lời cầu nguyện nhỏ nhắn và chân thành. Xuất phát của Ave Maria chỉ đơn giản là một khoảnh khắc ứng tác của Gounod dựa trên Khúc dạo đầu số 1 (Prelude No. 1) trong tập một của Bình quân luật do Bach sáng tác, một tác phẩm vô cùng quen thuộc với tất cả các sinh viên piano. Phút ngẫu hứng của Gounod được cha vợ của ông chú ý và ghi lại, nhờ đó những giai điệu tha thiết, dịu dàng của Ave Maria đã trở thành một phần quan trọng trong các lễ mừng sinh nhật 15 tuổi của các cô gái Mỹ Latin cũng như trong nhiều dịp quan trọng khác trên thế giới.

Tổng hợp: Hoàng Vũ

6. ALBERT KETÈLBEY (1875-1959)

In a Persian Market - Phiên chợ Ba Tư (1920)

Piano: Đặng Trí Dũng

Albert Ketèlbey

Albert Ketèlbey (1875 – 1959) là nghệ sĩ dương cầm, nhạc trưởng và nhà soạn nhạc người Anh. Phiên chợ Ba Tư là một trong những tác phẩm thuộc thể loại “âm nhạc tiêu đề” được đánh giá cao nhất của ông. Đây là một loại hình âm nhạc nghệ thuật sử dụng âm nhạc để thể hiện một câu chuyện vượt ra ngoài bản thân tác phẩm âm nhạc, và nội dung câu chuyện sẽ được chia sẻ trong Bản giới thiệu chương trình.

Chợ mía, tranh của Leopold Carl Müller, 1889

Thuật ngữ ‘âm nhạc tiêu đề’ được sử dụng độc quyền trong truyền thống âm nhạc cổ điển châu Âu và thường liên quan đến ‘âm nhạc lãng mạn’ của Thế kỷ 19, thời kỳ mà khái niệm này được phổ biến rộng rãi. Châu u thế kỷ 19 bắt đầu không lâu sau Chiến tranh Napoléon (1803-1815). Một nền hòa bình tạm thời đã được thành lập dựa trên đàm phán, và do hậu quả của chiến tranh, tầm quan trọng của các quốc gia dân tộc và quân đội được đề cao mạnh mẽ. Chủ nghĩa dân tộc trở nên trọng yếu hơn bao giờ hết. Cùng với chủ nghĩa dân tộc, người ta quan tâm đến các câu chuyện dân gian và văn hóa dân gian vì chúng có thể đóng vai trò như một loại ngôn ngữ thống nhất.

Trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc trên toàn châu Âu,  Albert Ketèlbey đã sử dụng các chủ đề dân gian trong các sáng tác lấy người Anh làm trung tâm của riêng mình. Mặc dù ông hiếm khi du lịch đến những điểm đến được đề cập đến trong âm nhạc của mình, nhưng ông vẫn tái hiện những ý tưởng ‘kỳ lạ’ và truyền bá chúng một cách trực quan với những hình ảnh minh họa sống động (theo quan điểm của người phương Đông) về ‘một phiên chợ Ba Tư’.

Nguồn: cpinmongolia.com
Dịch bởi: Bùi Thảo Hương

7. ROBERT SCHUMANN (1810-1856)

I. Durchaus fantastisch und leidenschaftlich vorzutragen; Im Legenden-Ton - Khúc ngẫu hứng cung Đô trưởng, Tập 17, Chương I. Kỳ ảo và được trình diễn say sưa; màu sắc Truyền thuyết (1836)

Piano: Đặng Gia Thịnh

Clara & Robert Schumann

Chưa bao giờ ngụy trang cảm xúc của mình, Robert Schumann treo trái tim trên tay áo và âm nhạc của ông phản ánh niềm vui của ông khi được sống – và được yêu. Nhạc phẩm Fantasie in C (Khúc ngẫu hứng cung Đô trưởng) được sáng tác vào năm 1836, là một màn thể hiện đáng chú ý về khả năng chứa đựng tâm hồn, một tác phẩm thấm đẫm niềm khao khát nồng nàn và không thể dứt, và sự rung động trái tim của những cảm xúc từ ngây ngất đến đớn đau mà tình yêu khơi dậy. Tác phẩm được viết trong khoảng thời gian đằng đẵng cách xa với Clara Wieck yêu dấu của ông, thời điểm mà không có chút chắc chắn nào về tương lai họ có thể bên nhau dài lâu.

Khúc ngẫu hứng cung Đô trưởng là một bức thư tình được viết bằng âm nhạc, là đỉnh cao của đam mê, kỹ thuật điêu luyện và sự tinh tế, đây là một tác phẩm quy mô lớn cực kỳ lãng mạn với những yêu cầu khắt khe mà bất cứ nghệ sĩ piano nào cũng phải run sợ khi thể hiện.

Dự định ban đầu là để tưởng nhớ Beethoven và cuối cùng là dành tặng cho Franz Liszt, Fantasie được chia làm ba chương. Ẩn dưới hình thức sonata, nhưng giống bản Sonata cung Si thứ của Liszt – người được dành tặng, Schumann đã phá bỏ cấu trúc hình thức để tạo ra một tác phẩm tự do ngẫu hứng nổi bật, nâng cao tác động cảm xúc và câu chuyện đầy chất thơ. ‘Chủ đề Clara’ xuyên suốt tác phẩm xuất hiện ngay ở các quãng tám giảm dần của tay phải. m nhạc là sự pha trộn hấp dẫn giữa sự hùng vĩ và gần gũi: câu mở đầu với một hợp âm thứ 9 cuộn trào, thể hiện toàn bộ chiều sâu niềm đam mê của nhà soạn nhạc và âm nhạc chuyển từ trạng thái khao khát sang dịu dàng dịu dàng trước khi trình diễn lại phần mở đầu. Coda Adagio bắt đầu bằng một thông điệp tình yêu bí mật gửi cho Clara: một câu trích dẫn từ bài hát cuối cùng trong An die ferne Geliebte của Beethoven: “Hãy nhận lấy những bài ca này, hỡi người yêu dấu, bài ca mà tôi đã hát dành tặng em.” “Nó khiến cả người tôi hết nóng rồi lại lạnh,” Clara đã viết về chương hai hành khúc như vậy, chương này trở nên dữ dội hơn (và khó chơi hơn) bởi các nhịp điệu đứt quãng liên tục. Đó là một niềm vui trào dâng hoành tráng đạt đến đỉnh cao trong coda hoa lệ, mà những quãng thể hiện niềm hạnh phúc (được đánh dấu là Viel bewegter – “với nhiều chuyển động”) sẽ khiến ngay cả những nghệ sĩ điêu luyện nhất cũng phải lo lắng.

Đẹp tuyệt vời, dịu dàng và thân mật, chương thứ ba là một bài ca không lời, với sự chuyển hướng mê hồn vào các phím xa của cung La giáng và Rê giáng trưởng tạo ra cảm giác thời gian lơ lửng lạ thường. Trong chương này, tình yêu có thể không còn quá dữ dội nhưng vẫn không kém phần mạnh mẽ.

Motif đổ vỡ (được trích từ chương chậm trong Bản hòa tấu ‘Hoàng đế’ của Beethoven), và giai điệu da diết lắng sâu nhường chỗ cho sự dịu dàng tinh tế, một điệu valse không chính thức với 2 giọng ca bổng và trầm hòa cùng nhau. Người ta gần như có thể hình dung Robert và Clara ôm chặt lấy nhau. Đoạn coda như một lời tuyên thệ ngây ngất, nhanh dần trước khi tiến đến Adagio để kết thúc với ba hợp âm Đô trưởng trầm lắng vừa bình yên vừa nhuốm màu sầu thảm.

Nguồn: Frances Wilson, 2019
Dịch bởi: Bùi Thảo Hương

8. FRANZ LISZT (1811-1886)

Années de pèlerinage II, S. 161: VII. Après une lecture du Dante: Fantasia quasi Sonata - Những năm tháng hành hương, năm thứ 2: nước Ý, S.161 - Sau lần đọc Dante: Fantasy gần giống sonata, tác phẩm thứ 7 (1849)

Piano: Hồ Thiên Phước

Franz Liszt năm 1860. Nguồn: Wikimedia Commons

Những ý tưởng về Ác ma, Thiên đường và Địa ngục, cái chết, đức tin và tôn giáo đã ám ảnh thiên tài âm nhạc Liszt trong nhiều thập kỷ. Vào cuối những năm 1830, Liszt đã phác thảo một tác phẩm gồm hai chương cho piano mà ông gọi là Fragment after Dante (Sau lần đọc Dante). Mãi cho đến khi định cư ở Weimar vào năm 1849, ông mới sửa đổi tác phẩm này thành phiên bản cuối cùng được xuất bản năm 1856 như một phần của Années de pèlerinage (Những năm tháng hành hương) – một chuỗi các tác phẩm dành cho piano lấy cảm hứng từ các điển hình nghệ thuật trải dài từ văn chương đến kiến ​​trúc cũng như thiên nhiên và vị trí địa lý.

Minh họa của Gustave Doré. Nguồn: Wikimedia Commons

Được nhiều người coi là một bài thơ tôn giáo, sử thi ‘Thần khúc‘ của Dante mô tả một cuộc hành trình tưởng tượng qua Inferno (Địa ngục), Purgatorio (Luyện ngục) Paradiso (Thiên đường). Hình dung về sự dằn vặt, nỗi đau tuyệt vọng và vĩnh cửu của Địa ngục, cũng như niềm hạnh phúc, sự ngây ngất và niềm hân hoan của Thiên đường, đã khơi dậy trí tưởng tượng của Liszt và giúp nhà soạn nhạc chuyển những ấn tượng này sang bản nhạc. Như trong nhiều tác phẩm của mình, Liszt sử dụng thủ pháp Chuyển đổi theo chủ đề, một kỹ thuật âm nhạc mà Liszt đã có rất nhiều đóng góp trong quá trình phát triển nó; một motif hoặc một chủ đề cơ bản được lặp lại xuyên suốt tác phẩm âm nhạc, nhưng cũng sẽ trải qua những biến đổi và tô điểm liên tục, đồng thời nó còn xuất hiện trong một số vai trò tương phản. Sự biến đổi của các yếu tố âm nhạc phục vụ mục đích “thống nhất trong đa dạng”, một nét đặc trưng trong phong cách âm nhạc của Liszt. Là một tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật trình diễn điêu luyện trình độ cao và được xem là thành tựu sáng tác, bản sonata một chương làm cho chúng ta không còn hoài nghi gì nữa về vị trí đặc biệt của tác phẩm trong kho tàng các sáng tác viết cho piano.

Nguồn: Victor Stanislavsky
Dịch bởi: Phượng Kiều

MAURICE RAVEL (1875 - 1937)

La valse, poème chorégraphique pour orchestre - Khúc Waltz, thơ có vũ đạo sáng tác cho dàn nhạc (1920)

Piano: Đào Vũ Nhiên Hương

Maurice Ravel viết đề tựa cho bản phổ La valse như sau:
Nhìn qua những tầng mây cuộn, những cặp đôi waltz cùng nhau có thể khó lòng nhận diện. Những đám mây dần tản thưa đi: ta nhìn thấy chữ A của tòa ảnh to lớn đầy ắp đám đông. Khung cảnh dần dần được thắp sáng dần. Ánh sáng nếm chùm lòa chói lên mãnh liệt ở B. Bối cảnh là hoàng cung, khoảng năm 1855.

Các nhà quý tộc tập trung quanh Hoàng đế Francis Joseph trong một buổi khiêu vũ ở Cung điện Hoàng gia Hofburg, tranh của Wilhelm Gause (khoảng năm 1900)

Là tác phẩm do Maurice Ravel sáng tác trong quãng từ tháng 2/1919 tới 1920; lần đầu ra mắt công chúng ngày 12 tháng 12 năm 1920 tại Paris. Trong lời tri tặng dành cho nhà soạn nhạc khi ông qua đời vào năm 1937, nhà phê bình âm nhạc Paul Landormy mô tả La Valse là “sáng tác khó ngờ nhất của Ravel, hé lộ cho chúng ta hình dung về những tầng sâu khó lường của Chủ nghĩa lãng mạn, sức mạnh, sức sống, sự sung khoái nơi người nghệ sĩ có trường biểu đạt sáng ngang với một thiên tài nhạc cổ điển.” Nhà soạn nhạc George Benjamin thì tóm tắt như sau về đặc điểm của La Valse: “Dù có chủ đích hoặc không muốn đóng vai một ẩn dụ cho thảm trạng của nền văn minh Châu u hậu Thế Chiến thứ Nhất, kết cấu một chương duy nhất bao hàm rõ sự khởi sinh, suy tàn và hủy diệt của một dòng nhạc: nhạc waltz.”
Ý tưởng cho La Valse bắt đầu trước tiên ở tiêu đề Vienna, từ 1906, khi Ravel dự định sẽ chỉ huy một tác phẩm tôn vinh hình thức waltz và Johann Strauss II. Học trò Manuel Rosenthal nhớ lại điều Ravel thừa nhận, “rằng tất cả các nhà soạn nhạc quả thật đều có mong muốn viết thành công một bản waltz thật hay. Rủi thay lại là rất khó. Do đó tôi thử sức viết một bản waltz giao hưởng để tri tặng thiên tài Johann Strauss.”
Ravel mô tả sức hút của waltz đối với ông trong thư viết Jean Marnold: “Anh biết về sức hút dữ dội của tôi dành cho những nhịp điệu tuyệt vời ấy, và tôi trân quý joie de vivre diễn tả trong vũ đạo sâu sắc hơn nhiều thứ chủ nghĩa tinh tuyền kiểu Pháp.” Một ảnh hưởng khác sớm sủa hơn từ một nhà soạn nhạc khác chính là khúc waltz trong vở opera Le roi malgré lui của Emmanuel Chabrier. Trong gia tài sáng tác của Ravel, tác phẩm liền trước La Valse chính là Valses nobles et sentimentales (Những điệu waltz quý tộc và trữ tình), trong đó chứa đựng một motif Ravel sử dụng lại trong La Valse. Sau khi gia nhập lực lượng Pháp tham chiến, Ravel trở lại với ý tưởng ban đầu là bài thơ giao hưởng Wien.
Nếu còn sống ắt hẳn Strauss sẽ thấy La Valse của Ravel ghê tởm, đã có một nhận định như vậy. Sáng tác của Ravel vừa hoài cổ vừa độc địa, trỗi lên từ duy nhất một nhịp điệu mơ hồ, tiếp nối qua nhiều khúc waltz riêng biệt (nhưng kết nối về chủ đề hơn bất kỳ waltz nào của Strauss), mỗi khúc dần tăng tiến một cách mãnh liệt để rồi kết thúc trong sự hủy diệt tất cả mọi thứ. Dọc theo tác phẩm ta bắt gặp những đoạn tăng tốc rồi giảm tốc khó nghe (và không thể khiêu vũ trong phòng dạ vũ được), những cường độ cực đoan, những glissando lạ tai, tạo nên cả một bầu không khí bạo lực, suy đồi và chết chóc. Nói ngắn gọn, đó là chân dung một Vienna (và Châu u) những năm trước và sau Thế Chiến I.

Ravel xử lý mới hoàn toàn ý tưởng Wien để cho ra đời La valse, vốn được viết theo đặt hàng một vở ballet từ Serge Diaghilev. Tuy nhiên, vở ballet ấy không bao giờ xuất hiện. Sau khi lắng nghe một bản thu ngắn trên piano đánh đôi bởi Ravel và Marcelle Meyer, Diaghilev công nhận tác phẩm là một kiệt tác, nhưng lại không xem nó như một vở ballet. Mà là một bức chân dung của ballet.” Ravel tổn thương trước nhận xét ấy và đã chấm dứt tình bạn với vị biên đạo. Về sau, La valse trở thành một tác phẩm hòa nhạc phổ biến và khi cả hai gặp lại nhau vào năm 1925, Ravel từ chối không bắt tay Diaghilev. Cả hai không bao giờ chạm trán thêm nữa.

Nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Ravel (1875-1937). Ảnh: Lipnitzki/Roger Viollet/Getty Images

Thế Chiến I kết thúc, waltz càng lúc càng trở thành một kỷ vật của một thời đại đã qua – một thời đại chính cuộc chiến đã phá hủy. Rất nhiều người nghe đoạn kết của tác phẩm không giống một triển khai tài tình các motif của waltz, mà như sự bóp méo, suy tàn của chính điệu waltz: biểu tượng của một nền văn minh suy tàn khôn cưỡng, tự xé toang chính mình. Việc tác phẩm theo trường phái Vienna càng bồi thêm một lớp diễn giải khác: tác phẩm của Ravel được xem như một phê phán chủ nghĩa quân sự Áo-Đức. Ravel vào năm 1922 còn bình luận thêm rằng “Tác phẩm chẳng có chút liên can gì tới hiện thực ở Vienna, và cũng chẳng mang một ý nghĩa biểu tượng nào khác. Suốt La Valse, tôi hoàn toàn không hình dung về một vũ điệu tử thần hay một cuộc đấu tranh giành lấy sự sống từ cái chết.
Chính Ravel lại từ chối nhận xét tác phẩm phản ảnh về Châu u hậu Thế chiến, mà cho rằng, “Có một số phát hiện ra ý đồ chế giễu, mà quả tình là châm biếm, số khác lại tự động nhìn thấy một dẫn dụ bi thương trong tác phẩm của tôi – chung cục của Đệ nhị Đế chế, tình huống của Vienna sau thế chiến.. Điệu nhảy ấy thoạt trông có vẻ bi kịch, như bất kỳ xúc cảm nào… được đẩy lên cực đoan. Nhưng ta chỉ nên nhìn vào những gì âm nhạc thể hiện ra: sự gia tăng dần của độ lớn, từ đó mà sân khấu tham gia để bổ trợ ánh sáng và chuyển động.
Ravel trình diễn phiên bản hai piano lần đầu tiên tại Vienna cùng nhà soạn nhạc Alfredo Casella, một phiên bản rất trung thành với tổng phổ, tới từng glissando. Trong khi đó, phiên bản piano solo cực kỳ khó diễn tấu, và rất ít khi được trình diễn. Đây cũng là phiên bản được Glenn Gould, người hiếm khi bận lòng với nhạc của Ravel, công nhận.

Dịch bởi: Y. K

10. CÉSAR FRANCK (1822-1890)

Mass, Op. 12 No. 5: Panis angelicus (Poco lento) - Thánh lễ: Bánh các thiên thần (1860-1872)

Soprano: Đặng Tường Vy  |  Piano accompanist: Lê Phạm Mỹ Dung

César Franck bên bàn điều khiển đàn organ ở Vương cung thánh đường Sainte-Clotilde, Paris, 1885. Nguồn: Meisterdrucke.lu

Messe solennelle (Thánh lễ trọng thể) tập 12 ra đời năm 1860, hai năm trước khi Frank được bổ nhiệm làm nghệ sĩ organ tại Thánh đường Clotilde. Được biểu diễn lần đầu tại Thánh đường này vào ngày 02 tháng 04 năm 1862, bản Thánh lễ đã được sửa đổi sau đó. CredoAgnus Dei đã được sửa đổi đáng kể và ‘O Salutaris ban đầu được thay thế bằng Panis Angelicus. Phiên bản cuối cùng này được trình diễn vào ngày 24 tháng 4 năm 1878 (một lần nữa tại Thánh đường Clotilde).

Đàn organ là nhạc cụ được nhà soạn nhạc lựa chọn để hỗ trợ giọng hát và bổ sung phức điệu đối âm. Sau chương giới thiệu dài, phần của Kyrie gợi nhớ đến phong cách hợp xướng “hoa mỹ”. Lời triệu hồi Chúa Jesus trong câu thứ hai hiện lên trong sự tương phản rõ rệt, với các âm thứ, cách viết mô phỏng và các motif đồng âm ngắn. Gloria bắt đầu với hợp âm rải đàn hạc với nhịp điệu có kết cấu khác thường. Cello tiếp tục với một giai điệu du dương ngay trước phần solo của giọng nam cao. Chương này kết thúc với nhạc thể như lúc ban đầu. Được xây dựng từ phần mở đầu của các âm trầm đơn lẻ, nhịp độ chậm và một đối âm nhấp nhô viết ở cung Đô thứ, Credo kết thúc hân hoan tại cung Đô trưởng trong ngọn lửa rực rỡ sắc màu. Snactus mang nhạc thể quả quyết và lẫm liệt với chủ đề nhịp nhàng hơn, trong khi bản đối chiếu nội quan của nó, Panis Angelicus, khác biệt bởi âm thanh đàn hạc và các đối âm được điểm xuyết với sự thay đổi sang âm giai nửa cung. Cuối cùng, Agnus Dei vang lên với các giọng hát solo trước khi bắt đầu phần điệp khúc. Tác phẩm kết thúc với phần điệp khúc “dona nobis pacem” đồng điệu và cực nhẹ.

Nguồn: bruzanemediabase
Dịch bởi: Bùi Thảo Hương

11. WOLFGANG AMADEUS MOZART (1756-1891)

Exsultate, jubilate (Exult, rejoice), K. 165, IV. Alleluja – Molto allegro - Hãy hân hoan, hãy cất tiếng ca, Ngợi ca Thiên Chúa (1773)

Soprano: Đặng Tường Vy  |  Piano accompanist: Lê Phạm Mỹ Dung

Giấc mơ của Joachim, tranh trong Nhà nguyện Scrovegni, Ý

Vào năm mười sáu tuổi, Mozart cùng cha mình ghé thăm Milan và dự buổi công diễn vở opera Lucia Silla, K.135. Ông choáng ngợp với castrato Venanzio Rauzzini, người thể hiện vai chính Cecilio. “Anh ấy hát như một thiên thần,” Mozart quả quyết. Ba tuần sau, Mozart cho ra đời bản Exultate Jubilate nhằm ca ngợi tài năng của Rauzzini. Tác phẩm được công diễn vào ngày 16 tháng 1 năm 1773, tại Nhà thờ San Antonio. Và ngay hôm sau là sinh nhật lần thứ mười bảy của Mozart. Sau đó, ông đã chỉnh sửa bản nhạc hai lần (phát hiện vào năm 1978), nhưng phiên bản gốc vẫn tiếp tục được trình diễn.

Chân dung Mozart (khoảng năm 1790). Tranh của Johann Georg Edlinger

Nhà soạn nhạc gọi tác phẩm mới của mình là motet, khái niệm được định nghĩa là “bản nhạc có lời” vào thế kỷ 13. Trong thời kỳ Phục hưng, motet trở nên phức tạp hơn với cách sắp đặt đối âm và thể loại này bao gồm hai dạng: thiêng liêng và thế tục. Vào thế kỷ 18, motet được định nghĩa là “cantata (đại hợp xướng) độc tấu thiêng liêng tiếng Latin” theo Johann Quantz – nghệ sĩ sáo và nhà lý luận âm nhạc đương đại.

Trong tác phẩm Exultate Jubilate, các phần được sắp xếp theo trình tự dành cho nghệ sĩ độc tấu và dàn nhạc như sau:

  1. Allegro: Exultate jubilate (hai mươi ô nhịp giới thiệu)
  2. Recitativo: Fulget amica dies (rất ngắn)
  3. Andante: Tu virginum corona (nhiều sự khác biệt)
  4. Allegro (thỉnh thoảng rất nhanh): Alleluja

Đây có lẽ là phần nổi tiếng nhất của motet và thường được trích dẫn như một buổi “tour-de-force” concert aria (một aria có thành tựu xuất chúng đáng ngưỡng mộ).

Nguồn: Marianne Williams Tobias, Indianapolis Symphony Orchestra, 2016.
Dịch bởi: Hoàng Nghĩa

12. WOLFGANG AMADEUS MOZART (1756-1891)

Bassoon Concerto in B-flat major, K.191, I. Allegro - Concerto cho bassoon giọng Si giáng trưởng, K. 191, Chương I. Allegro (1774)

Bassoon: Dong Gue Jung  |  Piano accompanist: Lê Phạm Mỹ Dung

Nghệ sĩ Bassoon. Tranh của Gerard Portielje

Bản concerto dành cho nhạc cụ bộ hơi đầu tiên được ghi chép lại của Mozart, Bassoon (kèn Pha-gốt) concerto giọng Si-giáng trưởng, là bản bassoon concerto duy nhất còn sót lại trong số năm bản concerto mà ông đã viết. Có một sự thật đáng buồn là nhiều tác phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng và được kính này không còn tồn tại đến ngày nay, vì nhiều lý do như nhà xuất bản không làm tròn trách nhiệm của mình, tài liệu bị thất lạc, và quá trình kiểm kê sơ sài của những nhà bảo trợ chính như nhà thờ và chính quyền. Chúng ta nên vĩnh viễn biết ơn vì tác phẩm tuyệt đẹp này đã làm nổi bật lên một loại nhạc cụ thường bị bỏ qua trong bộ hơi vẫn còn tồn tại. Tác phẩm không những thể hiện năng lực kỹ thuật và nghệ thuật của bassoon mà còn là tác phẩm được biểu diễn thường xuyên nhất dành cho bassoon.

Bassoon là một nhạc cụ độc tấu lâu đời trong thời kỳ Baroque, loại kèn đã truyền cảm hứng cho Antonio Vivaldi (1678 – 1741) viết không dưới 39 bản concerto cho bassoon. Tuy nhiên, sự nổi bật của loại kèn này với tư cách là một nhạc cụ độc tấu đã dần bị lu mờ vào đầu thời kỳ Cổ điển.

Theo tiêu chuẩn truyền thống dành cho một bản concerto thời kỳ Cổ điển, mỗi tác phẩm được dàn dựng thành ba chương. Chương đầu tiên, Allegro, thường ở hình thức Sonata. Khởi đầu với sự kịch tính của dàn nhạc, tiếp theo là nghệ sĩ độc tấu, chương này làm nổi bật nhiều thế mạnh của bassoon, bao gồm sự linh hoạt phi thường và khả năng trill (luyến láy), leap (gần hai quãng tám), nốt lặp lại, âm thanh trữ tình và xử lý dễ dàng các nốt trầm.

Nguồn: lakevieworchestra.org
Dịch bởi: Hoàng Nghĩa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.