The Bui Tran Duo – Music in France at the 20th Century (29.06.2024)
17/06/2024The Bui Tran Duo
18/06/2024GIỚI THIỆU TÁC PHẨM
DMITRI SHOSTAKOVICH (1906-1975)
Cello Sonata in D minor, Op. 40 (1934)
I. Allegro non troppo
II. Allegro
III. Largo
IV. Allegro
(Sonata dành cho Cello & Piano giọng Rê thứ Tập 40)
Sonata dành cho Cello và Piano giọng Rê Thứ, Tập 40 của Dmitri Shostakovich, sáng tác năm 1934, nổi lên như một cuộc khai phá sâu sắc về chiều sâu cảm xúc và sự phát triển phong cách. Tác phẩm dành tặng nghệ sĩ cello Viktor Kubatsky này được ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Moscow vào ngày 25 tháng 12 năm 1934, trong giai đoạn đầy biến động về cả cá nhân lẫn chính trị của nhà soạn nhạc.
Sonata mở đầu với chương Allegro non troppo (Không quá tươi vui), mang đặc trưng của hình thức sonata cổ điển, với phần trình bày lặp lại tạo sự tương phản rõ nét giữa chủ đề đầu tiên nghiêm túc, mạnh mẽ với chủ đề thứ hai dịu dàng, giàu biểu cảm ở giọng Si trưởng xa xôi. Sự song trùng chủ đề này gợi lên cảm giác bất ổn lãng mạn, có thể phản ánh trạng thái cảm xúc của chính Shostakovich trong thời gian ngắn ngủi xa cách người vợ Nina.
Chương thứ hai, Allegro (Vui tươi), phác họa một scherzo sắc bén tràn đầy năng lượng châm biếm. Chương nhạc gần như là moto perpetuo (chuyển động vĩnh cửu) này thể hiện một năng động mang phong cách công nghiệp gợi nhớ đến các scherzo của Beethoven, với những hoán đổi nhanh chóng giữa cello và piano.Bất chấp nhịp điệu dồn dập, nhạc chương vẫn phảng phất một nét giản đơn thô ráp, gần giống như nhạc dân gian, phản ánh sự say mê của Shostakovich với nhạc đại chúng và xuất thân là nhà soạn nhạc phim của ông.
Hoàn toàn tương phản, chương Largo mở ra như một adagio (chậm rãi) ảm đạm và buồn bã. Ở đây, giai điệu cello cháy bỏng trữ tình lướt bay lên trên nền đệm piano hầu như ở quãng thấp, tạo ra bầu không khí u ám. Chương nhạc này như một dự báo về phong cách làm nên tên tuổi của Shostakovich sau này - trưởng thành và hoang tàn, đồng thời thể hiện sự duyên dáng và lòng trắc ẩn trữ tình theo phong cách của Schubert.
Bản sonata khép lại với chương Allegro vừa tinh nghịch vừa lạ kỳ, được xây dựng theo cấu trúc rondo. Chủ đề mở đầu của chương nhạc, linh hoạt và kỳ lạ, xuất hiện trở lại ba lần, được ngăn cách bởi hai đoạn tương phản. Trong đoạn thứ hai, phần piano bùng nổ thành một đoạn cadenza rực rỡ, thể hiện cả kỹ thuật và sự táo bạo. Chương cuối cùng nắm bắt tinh thần cuồng nhiệt của một phòng hòa nhạc, nhưng lại kết thúc đột ngột, khác xa kết thúc hùng tráng thường thấy trong các tác phẩm theo chủ nghĩa hình thức.
Được sáng tác trong thời gian Shostakovich đang tìm kiếm một ngôn ngữ âm nhạc đơn giản, rõ ràng và giàu biểu cảm hơn, Sonata dành cho Cello và Piano giọng Rê Thứ, Tập 40 tiêu biểu cho sự biến đổi trong phóng cách của ông. Tác phẩm kết hợp cấu trúc cổ điển với các yếu tố hiện đại, vẻ đẹp trữ tình với sự châm biếm sắc bén, nội tâm cá nhân với bình luận văn hóa rộng lớn hơn. Tác phẩm này, chặt chẽ và vang dội, đánh dấu một sự khởi đầu đáng kể so với khuynh hướng tiên phong hơn trước đó của ông, thay vào đó là sự hòa hợp với phong cách dễ tiếp cận hơn, định hình nên những kiệt tác sau này của ông.
GABRIEL FAURÉ (1845-1924)
Cello Sonata No. 1 in D minor, Op. 109 (1917)
I. Allegro
II. Andante
III. Finale: Allegro commodo
(Sonata dành cho Cello Số 1 giọng Rê thứ, Số 109)
Sonata dành cho Cello Số 1 giọng Rê thứ, Số 109 của Gabriel Fauré tiếp tục là một minh chứng cho thiên phú trữ tình của nhà soạn nhạc và khả năng truyền tải cảm xúc sâu sắc của ông qua âm nhạc thính phòng. Ra đời vào mùa hè năm 1917, giữa cơn bão táp của Thế chiến thứ nhất và sức khỏe đang suy giảm của chính Fauré, tác phẩm này vẫn mang tới trải nghiệm âm nhạc sâu sắc cho khán thính giả..
Mở đầu chương đầu tiên là một chủ đề nhịp điệu mạnh mẽ, trích từ một bản giao hưởng chưa xuất bản mà Fauré sáng tác năm 1884. Chủ đề này, ban đầu được piano cất lên với nhịp phách đều đặn tựa nhịp tim, nhanh chóng được cello lặp lại và phát triển, tạo nên một cuộc đối thoại sôi động. Chương nhạc thấm đẫm năng lượng sôi động và đà tiến về phía trước, tạo sự tương phản nổi bật với chất liệu nội tâm hơn trong các tác phẩm trước đó của Fauré.
Trong chương thứ hai, Fauré mang đến một sự tương phản thanh bình và trầm tư. Chương nhạc luân phiên giữa hai chủ đề chính: giai điệu giống Sarabande với nhịp điệu chấm phá và mô típ trữ tình thông thường hơn. Chủ đề thứ hai, được tô điểm bằng những tiếng vọng tựa tiếng chuông từ piano, gợi nhớ vẻ đẹp ám ảnh của những bản Nocturne thời kỳ đầu của Fauré. Chương nhạc tiến đến một cao trào nhẹ nhàng trước khi lắng xuống nơi kết thúc thanh bình, biến đổi giọng thứ ban đầu thành giọng trưởng, mang lại cảm giác an lạc đầy hy vọng.
Chương cuối với chủ đề gây tranh luận khá nhiều về cách diễn giải liên quan đến nhịp độ. Bất chấp những mâu thuẫn trong tiết tấu gốc, các nghệ sĩ biểu diễn thường chọn nhịp độ nhanh, làm nổi bật tính chất vui tươi và rạng rỡ của chương nhạc. Chương nhạc này, trên thực tế là một phần phát triển dài, thể hiện kỹ năng xử lý tài tình các đoạn canon và khám phá hoà âm của Fauré. Bản chất vui tươi, gần như kỳ quặc của âm nhạc được nhuốm màu bởi cảm giác khao khát và hoài niệm tiềm ẩn, phản ánh những hồi ức u buồn của chính Fauré về một thời đại đã qua.
Sonata dành cho Cello Số 1 của Fauré là kiệt tác của phong cách tardive (muộn màng) của ông, đặc trưng bởi tạo tác tinh xảo, sang trọng và màu sắc không ngừng biến đổi. Cấu trúc và chất liệu chủ đề của sonata thể hiện sự cân bằng tỉ mỉ giữa tính trong sáng, chất thơ và sự tiết chế - những dấu ấn của các tác phẩm trưởng thành của Fauré. Bất chấp những thách thức do chứng điếc ngày càng nghiêm trọng, Fauré vẫn truyền vào tác phẩm này một sức sống và sự ấm áp che giấu tật bệnh mà ông phải đối mặt.
GABRIEL FAURÉ (1845-1924)
"Après un rêve" from "3 Mélodies, Op. 7" (1870-77)
("Sau cơn mơ" trích từ "Tam khúc, Tập 7)
Gabriel Fauré, một trong những nhà soạn nhạc người Pháp hàng đầu của thế hệ ông, đã kiến tạo nên một kho tàng tác phẩm phong phú và đa dạng, nối liền giai đoạn cuối của Chủ nghĩa lãng mạn với buổi bình minh của Chủ nghĩa hiện đại. Ra đời năm 1845, âm nhạc của Fauré, với sự thanh lịch tao nhã và chiều sâu cảm xúc, đã để lại dấu ấn lâu dài trên thế giới âm nhạc cổ điển. Những cách tân về hòa âm và giai điệu của ông đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhạc sĩ, đưa ông thành một nhân vật then chốt trong sự phát triển của ngôn ngữ âm nhạc.
Sáng tác trong khoảng năm 1870 đến 1877, Sau cơn mơ là một phần trong Tam khúc Tập 7 của Fauré. Ca khúc tinh tế này được phổ nhạc trên nền thơ của Romain Bussine, vốn dựa trên một bản thảo tiếng Ý vô danh. Bài thơ kể câu chuyện một chàng trai đang yêu, khi tỉnh dậy từ giấc mơ hạnh phúc bên người yêu dấu, khao khát được trở lại với những ảo ảnh an ủi của màn đêm. Sự trường tồn của ca khúc bắt nguồn từ tính đồng cảm sâu sắc về cảm xúc và sự hòa quyện tinh tế giữa giọng hát và piano.
Sau cơn mơ minh chứng cho khả năng truyền tải cảm xúc sâu sắc của Fauré bằng những phương thức âm nhạc tinh tế. Ca khúc mở đầu với phần dạo đàn piano trữ tình, êm đềm, tạo tiền đề cho sự xuất hiện của giọng hát. Giai điệu, với những nốt thăng trầm nhẹ nhàng, hòa quyện với sự mơ màng của lời ca. Cách sử dụng hòa âm của Fauré vừa sáng tạo vừa tinh tế, tạo nên phông nền giàu cảm xúc làm nổi bật cuộc đối thoại thân mật giữa ca sĩ và piano.
Giai điệu giọng hát trong Sau cơn mơ nổi bật bởi sự giản đơn và giàu biểu cảm. Nó trải dài quãng mười một cung, là nền tảng cho sự linh hoạt và phong phú về sắc thái cảm xúc mà không cần đến những cung bậc quá cao hoặc quá thấp. Giai điệu chảy trôi mượt mà, mỗi cụm từ được trau chuốt cẩn thận để phản ánh ngữ điệu tự nhiên của tiếng Pháp. Sự chú ý tỉ mỉ của Fauré đến trọng âm của lời ca đảm bảo âm nhạc tôn lên ý nghĩa của bài thơ, tạo nên một tổng thể thống nhất và gợi cảm.
Phần đệm piano của Fauré trong Sau cơn mơ được đặc trưng bởi nhịp điệu nhất quán và sự phong phú về hòa âm. Tay phải duy trì một tổ hợp gồm các hợp âm ba hoặc bốn nốt, trong khi tay trái chơi chuỗi âm trầm ổn định bằng các nốt đơn hoặc quãng tám. Điều này tạo ra hiệu ứng nhẹ nhàng, gần như thôi miên, hỗ trợ phần hát mà không lấn át nó. Vai trò của piano vừa hỗ trợ vừa bổ sung, mang lại chiều sâu và màu sắc cho tổng thể kết cấu.
Trong ca khúc này, tài năng sáng tác giai điệu của Fauré là không thể nhầm lẫn. Các chủ đề lặp đi lặp lại và nhịp điệu dịu nhẹ tạo ra cảm giác liền mạch và thống nhất, cuốn hút người nghe vào thế giới mơ mộng của bài thơ. Vẻ đẹp kiềm chế và sự trong sáng về cảm xúc của âm nhạc biến Sau cơn mơ trở thành một ví dụ tiêu biểu cho nghệ thuật của Fauré, thể hiện những phẩm chất tinh tế, hướng nội đặc trưng cho các tác phẩm hay nhất của ông.
GABRIEL FAURÉ (1845-1924)
"Les berceaux" from "3 Mélodies, Op. 23" (1879)
(“Khúc đưa nôi” trích từ “Tam khúc, Tập 23)
Khúc đưa nôi của Gabriel Fauré, sáng tác năm 1882, là một soạn phẩm xúc động về sự giao thoa tinh tế giữa cảm xúc con người và nhịp điệu không ngừng của thiên nhiên. Bài hát này, là một phần trong Tam khúc Tập 23 của ông, sử dụng những vần thơ gợi cảm của Sully-Prudhomme, cụ thể là bài thơ "Những con tàu neo dọc bến cảng" trong tập Tượng đài và thi ca (1865) của ông. Bản nhạc của Fauré nắm bắt chủ đề ngọt ngào cay đắng của sự chia ly, được gói gọn trong câu thơ "Nam nhi vác gánh đời gian, nữ nhi đành chịu phận chìm lệ tuôn." của nhà thơ.
Được viết ở giọng Si giáng thứ, một trong những cung bậc gợi cảm độc đáo của Fauré, Khúc đưa nôi khéo léo hòa quyện các yếu tố của một bản berceuse (hát ru) và một barcarolle (khúc hát người chèo thuyền). Phần đệm piano, với những bộ ba nốt rung rẩy, mô phỏng sự đung đưa nhẹ nhàng của nôi và nhịp chuyển động của sóng biển. Mô típ âm nhạc này tạo ra một phông nền êm dịu, liên tục, đặt cạnh sự an nhiên của phụ nữ với nỗi bất an của những người đàn ông bắt đầu hành trình lênh đênh trên biển.
Bài hát mở ra với một dòng nhạc thả nhẹ nhàng trên nền đệm, mô phỏng gợn sóng của biển. Khi những chiếc thuyền bắt đầu nhổ neo rời khỏi bến cảng, âm nhạc dâng trào khắc họa cảnh chia ly nghẹn ngào lúc các thủy thủ đoàn sắp phải rời xa gia đình mình. Phần trung tâm này, được đánh dấu bởi cụm từ "Tentent les horizons qui leurrent" (Những chân trời lừa dối vẫy gọi), là một khoảnh khắc hiếm hoi gia tăng kịch tính trong các nhạc khúc của Fauré, ghi lại nỗi đau và oán hờn của những người phụ nữ bị bỏ lại.
Tài năng của Fauré thể hiện rõ qua những chuyển đoạn liền mạch và cấu trúc gọn gàng của bài hát. Sự trở lại chủ đề ban đầu sau phần giữa lên đến đỉnh điểm được xử lý một cách xuất sắc, mang lại cảm giác quyết tuyệt và mạch lạc. Quãng giọng, trải dài từ La giáng đến Fa thăng, cho thấy khả năng viết nhạc cho giọng hát một cách biểu cảm của Fauré, tạo ra một tấm thảm âm thanh phong phú, vừa gần gũi vừa rộng mở.
Khúc đưa nôi là một soạn phẩm ám ảnh về sự chia ly khó tránh khỏi của những người thân yêu, một chủ đề chạm sâu đến cảm xúc của khán giả. Nhịp điệu liên tục của phần đệm, gợi nhớ đến biển cả không ngừng sóng vỗ, và sự giao thoa xúc động giữa giọng hát và piano, gợi lên một cảnh tiễn biệt điển hình. Âm nhạc của Fauré, với việc sử dụng tinh tế hòa âm theo thức điệu và hiệu ứng âm sắc, hoàn toàn bổ sung cho nỗi buồn u hoài trong thơ của Sully-Prudhomme, biếnKhúc đưa nôi trở thành một tác phẩm nổi bật của âm nhạc Pháp lãng mạn cuối thế kỷ 19.
CAMILLE SAINT-SAËNS (1835-1921)
"Le cygne" from "The Carnival of the Animals" (1886)
(“Thiên nga” trích từ “Lễ hội của muông thú”)
Ở đỉnh cao sự nghiệp sáng tác, vào năm 1886, Camille Saint-Saëns đã cho ra đời một tác phẩm- một bộ sưu tập âm nhạc về các loài động vật - Lễ hội của muông thú. Được sáng tác trong thời kỳ cảm hứng sáng tạo dồi dào, tiếp nối sau bản giao hưởng số 3 đầy thử thách, tổ khúc này mang đến sự thư giãn nhẹ nhàng, đối lập với các tác phẩm nghiêm trang hơn của ông. Dù ban đầu Saint-Saëns e ngại xuất bản tổ khúc này, lo ngại tác phẩm sẽ làm hoen ố danh tiếng một nhà soạn nhạc nghiêm trang của mình, nhưng cuối cùng tác phẩm vẫn được công bố sau khi ông qua đời và từ đó đã chinh phục khán giả bằng sự duyên dáng và dí dỏm.
Trong số mười bốn chương của Lễ hội của muông thú, Thiên Nga nổi bật lên với vẻ đẹp trữ tình và uyển chuyển. Khác với những bức chân dung loài vật kỳ lạ và hóm hỉnh khác trong tổ khúc, Thiên Nga là một tác phẩm thanh bình và sâu sắc, thể hiện khả năng kết hợp sự thanh lịch với sự giản đơn của Saint-Saëns. Chương nhạc có sự góp mặt của đàn cello độc tấu, với giai điệu vút bay và uốn lượn duyên dáng, giống hệt như chiếc cổ của một chú thiên nga lướt trên mặt hồ lặng sóng. Tiếng đàn piano đệm nhẹ nhàng làm phông nền, tựa như chuyển động lăn tăn tinh tế của mặt nước.
Saint-Saëns đã tóm gọn nét thanh bình và kiêu sa của loài thiên nga trong sáng tác của mình, tạo sự tương phản với sự phù phiếm thường thấy trong các chương khác của tổ khúc. Lựa chọn này nhấn mạnh sự hiểu biết sâu sắc của ông về biểu tượng của loài vật này - vẻ đẹp, sự thanh lịch và sự yên tĩnh. Âm sắc phong phú, giàu cảm xúc của cello và phần đệm piano vững chắc tạo ra một bức tranh âm nhạc vừa gần gũi vừa rộng lớn, phản ánh sự hiện diện đầy kiêu kỳ của thiên nga.
Thiên Nga đã vượt qua nguồn gốc của nó, trở thành một tác phẩm được yêu mến và thường được biểu diễn độc lập. Giai điệu của tác phẩm đã được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau, từ ba lê đến văn hóa đại chúng, minh chứng cho sức hút toàn cầu và nét duyên dáng vĩnh hằng của tác phẩm.
Tổng hợp bởi: Bùi Thảo Hương